Hóa đơn giá trị gia tăng là gì? Các quy định về hóa đơn GTGT

Hóa đơn giá trị gia tăng là loại chứng từ quan trọng cần có của mỗi doanh nghiệp. Liên quan đến thủ tục kế toán, thuế mà doanh nghiệp phải chịu. Vậy hóa đơn giá trị gia tăng là gì? Các quy định về hóa đơn GTGT như nào? Bài viết dưới đây, kế toán Việt Hưng sẽ giải đáp cho bạn đọc hiểu rõ về bản chất của hóa đơn GTGT.

hóa đơn giá trị gia tăng
Hóa đơn giá trị gia tăng là gì? Các quy định về hóa đơn GTGT

1. Hóa đơn giá trị gia tăng là gì?

Hóa đơn đỏ hay còn gọi là hóa đơn giá trị gia tăng (Hóa đơn VAT) là hóa đơn chính thức do Bộ tài chính Việt Nam ban hành. Áp dụng cho các tổ chức cá nhân kê khai và tính thuế theo phương pháp khấu trừ. Trong các hoạt động:

  • Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa
  • Hoạt động vận tải quốc tế
  • Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu
  • Xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài

Trên Hóa đơn VAT sẽ phải có các nội dung bắt buộc sau:

  • Ghi rõ tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán và người mua (nếu có),
  • Danh mục hàng hóa dịch vụ, 
  • Ngày thực hiện giao dịch,
  • Tổng giá trị hàng hóa dịch vụ, giá trị tính thuế VAT, thuế suất VAT 
  • Và giá trị thuế VAT

Hóa đơn VAT còn được gọi là hóa đơn đỏ do liên giao cho khách hàng thường có màu đỏ hoặc màu hồng.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đã chuyển đổi hóa đơn giá trị gia tăng giấy sang hóa đơn điện tử. Đây là hình thức hiện đại hóa hóa đơn vừa nhanh chóng, tiện lợi lại tiết kiệm chi phí in ấn, hạn chế tối đa hóa đơn bị viết sai. 

2. Các quy định về hóa đơn GTGT

hóa đơn giá trị gia tăng

2.1 Đối với hóa đơn đầu ra

Doanh nghiệp khi bán hàng hóa, dịch vụ phải lập hóa đơn theo quy định và giao cho khách hàng. Hóa đơn phải được lập ngay khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo đúng các nội dung, chỉ tiêu in sẵn trên mẫu hóa đơn.

Doanh nghiệp thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT phải sử dụng hóa đơn GTGT. Kể cả trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên khi doanh nghiệp xuất hóa đơn giá trị gia tăng phải hợp lý, chặt chẽ và đúng nguyên tắc theo quy định của luật và cơ quan tài chính thì hóa đơn đó mới được cơ quan thuế chấp nhận.

Các chứng từ cần thiết đối với một hoá đơn GTGT mua vào hoặc bán ra:

  • Hợp đồng mua, hợp đồng bán hàng hóa (Hợp đồng mua bán hàng hoá), trong trường hợp Hợp đồng không ghi chi tiết danh mục các mặt hàng bán ra cần có Phụ lục Hợp đồng ghi chi tiết danh mục hàng hoá mua vào hoặc bán ra);
  • Phiếu xuất kho; phiếu nhập kho đối với hàng hoá bán ra hoặc mua vào;
  • Phiếu thu, phiếu chi ghi lại số tiền giao dịch với khách hàng đối với hàng hoá bán ra hoặc mua vào;
  • Biên bản thanh lý hợp đồng mua bán;

Một số lưu ý đặc biệt:

  • Tại các văn bản và chứng từ nêu trên đều phải ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu theo đúng quy định của pháp luật;
  • Chỉ xuất hoá đơn đối với các hàng hóa doanh nghiệp kinh doanh đã được đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch và đầu tư  và cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  • Khi xuất hóa đơn phải ghi đúng mức thuế xuất áp dụng theo quy định của Bộ tài chính đối với những hàng hóa, dịch vụ đó. 

2.2 Đối với hóa đơn đầu vào

Để hóa đơn đủ điều kiện khấu trừ và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật thuế hiện hành. Doanh nghiệp cần phải lưu ý đặc biệt đối với hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào của doanh nghiệp.

 

  • Đối với hóa đơn đầu vào có giá trị từ 20 triệu trở lên:

 

Điều kiện bắt buộc với hóa đơn mua vào có giá trị từ 20 triệu là phải chuyển tiền qua ngân hàng thanh toán mới được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Một số lưu ý cụ thể:

  • Hóa đơn được thanh toán làm nhiều lần: Khi thanh toán nhiều lần hóa đơn đó thì tất cả các lần đều phải chuyển khoản qua Ngân hàng. Kể cả lần đặt cọc đầu tiên để làm cơ sở cho việc mua bán. Trường hợp nếu đã đặt cọc bằng tiền mặt và khấu trừ luôn vào tiền hàng thì yêu cầu nhà cung cấp trả lại tiền đặt cọc đó và chuyển trả lại cho nhà cung cấp qua Ngân hàng. Nếu không phần tiền mặt đó sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng trong hóa đơn mua vào.
  • Đối với hóa đơn mua cùng trong một ngày: Trường hợp trong cùng một ngày mua liên tiếp hàng hóa của một đơn vị nhưng chia nhỏ ra làm nhiều hóa đơn giá trị gia tăng giá trị dưới 20 triệu đồng để làm cơ sở thanh toán tiền mặt thì vẫn bị loại thuế giá trị gia tăng. Do đó cần phải để ý khi nhận hóa đơn của một đơn vị trong một ngày cần rà soát tránh trường hợp số tiền mua bán có vượt quá 20 triệu đồng.
  • Chuyển tiền qua ngân hàng: Việc chuyển tiền qua Ngân hàng để thanh toán cho hóa đơn từ 20 triệu trở lên có nghĩa là phải chuyển từ tài khoản Ngân hàng mang tên công ty mình sang tài khoản ngân hàng mang tên nhà cung cấp, do đó nếu chuyển tiền từ một tài khoản không mang tên mình hoặc chuyển tiền sang một tài khoản không mang tên công ty người bán trên hóa đơn thì đều không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Tài khoản chuyển khoản thanh toán phải được đăng ký theo mẫu 08 với cơ quan thuế theo quy định tại Điều 15, Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 18/12/2013.
  • Thời điểm thanh toán: Tại thời điểm kê khai nếu chưa đến thời hạn thanh toán theo hợp đồng và người mua hàng chưa trả tiền thì vẫn được kê khai thuế giá trị gia tăng khấu trừ bình thường, nhưng nếu đến thời hạn quyết toán, thời hạn thanh toán đã hết mà vẫn chưa thanh toán thì phần thuế giá trị gia tăng này bị loại ra và không được khấu trừ.

 

  • Lưu ý khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với tài sản cố định:

 

Nếu tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (trừ ô tô sử dụng cho vào kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn) có giá trị vượt trên 1,6 tỷ đồng. Thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng đó thì sẽ không được khấu trừ. Nhưng nếu có ngành nghề là vận tải thì lại được khấu trừ.

 

  • Đối với hóa đơn thuê văn phòng, trụ sở:

 

Nhiều doanh nghiệp thuê văn phòng là các căn hộ, nhà của các cá nhân không phát hành hóa đơn GTGT. Do đó bên cho thuê phải lên cơ quan thuế mua hóa đơn bán hàng để phát hành hóa đơn cho doanh nghiệp và nộp các loại thuế bao gồm thuế GTGT. 

Đối với loại hóa đơn này không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên một số kế toán ở một số đơn vị nhìn thấy trong bảng tính thuế của cơ quan thuế thì có phần thuế giá trị gia tăng nên lập vào bảng kê chứng từ. Loại thuế này sẽ bị loại bỏ khi quyết toán.

  •  Hóa đơn đã kê khai năm trước năm sau hạch toán:

Đối với hóa đơn nếu đã kê khai trên tờ khai của năm nay nhưng lại không đưa vào hạch toán của năm mà lại hạch toán sang năm sau thì giá trị gia tăng của hóa đơn của năm đó sẽ không được khấu trừ.

 

  • Xử lý tình huống khi bị mất hóa đơn đầu vào:

 

Trường hợp doanh nghiệp mất hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào thì phải photo lại liên 1 và xin xác nhận sao y bản chính của công ty xuất hóa đơn. Tuy vậy, phần thuế GTGT của hóa đơn bị mất này sẽ không được khấu trừ.

Kế toán viên cần nắm rõ các quy định về hóa đơn GTGT khi làm nghiệp vụ hay xuất hóa đơn cho khách hàng. Tránh mắc phải lỗi khiến hóa đơn đỏ bị  cơ quan thuế loại bỏ khi quyết toán. Chúc các bạn thành công.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

close

GIẢI ĐÁP MIỄN PHÍ 24/7

Kế toán, thuế, bảo hiểm, Doanh nghiệp...