Xoá bỏ mức lương cơ sở & hệ số trong bảng lương nhà nước mới nhất 2021

Bảng lương nhà nước mới nhất có nhiều thay đổi liên quan đến chính sách tiền lương theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 27-NQ/TW. Từ năm 2021 bảng lương nhà nước sẽ không còn được tính theo phương thức là Lương cơ sở x Hệ số lương. Thay vào đó, sẽ xây dựng mức lương bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

bảng lương nhà nước mới nhất
Xoá bỏ mức lương cơ sở & hệ số trong bảng lương nhà nước mới nhất

Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế – xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế – xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị – xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

1. Xóa bỏ mức lương cơ sở & hệ số bảng lương nhà nước năm 2021

Từ năm 2021, dự kiến sẽ có nhiều thay đổi liên quan đến chính sách tiền lương theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 27-NQ/TW.

Thay đổi quan trọng nhất chính là xóa bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương. Lương của cán bộ, công chức, viên chức không còn được tính như cách thức hiện tại là Lương cơ sở x Hệ số lương

Thay vào đó, sẽ xây dựng mức lương bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Có tất cả 05 bảng lương mới như sau:

  • 1 bảng lương chức vụ với người giữ chức lãnh đạo từ Trung ương đến cấp xã;
  • 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ với người không giữ chức vụ lãnh đạo;
  • 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang
– Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
– Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
– Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
– Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.

2. Dự kiến 5 loại bảng lương nhà nước mới nhất điều chỉnh năm 2021

2.1 Bảng lương chức vụ: Áp dụng với người cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã

  • Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới;
  • Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp. Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

2.2 Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức: Áp dụng với người không giữ chức lãnh đạo

Mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc:

  • Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;
  • Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
  • Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

2.3 Bảng lương đối với lực lượng vũ trang

Với lực lượng vũ trang sẽ có 03 bảng lương riêng, gồm:

  • 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);
  • 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an
  • 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

Khi xây dựng bảng lương mới của cán bộ, công chức, viên chức nêu trên, mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể.

3. Xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới

– Thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý chính sách tiền lương của toàn hệ thống chính trị. Bộ Chính trị quyết định chủ trương, nguyên tắc và giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ cụ thể hoá việc thống nhất quản lý, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền, uỷ quyền cho cơ quan chức năng ban hành văn bản chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ Trung ương đến cấp xã.
– Sau khi báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định việc phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị làm căn cứ xây dựng bảng lương mới.
– Các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước xây dựng văn bản quy định chế độ tiền lương mới báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định trước khi ban hành, để từ năm 2021 thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Trên đây là 5 loại bảng lương nhà nước mới nhất theo Nghị định 27-NQ/TW  dự kiến áp dụng vào năm 2021. Kế toán hành chính sự nghiệp cần lưu ý và theo dõi những thay đổi mới nhất từ các nghị định của chính phủ. 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *