Quy trình kiểm toán báo cáo tài chính trong doanh nghiệp

Kiểm toán báo cáo tài chính trong doanh nghiệp được thực hiện với quy trình gồm 3 giai đoạn: Lập kế hoạch kiểm toán – Thực hiện kiểm toán – Kết thúc kiểm toán. Kế toán Việt Hưng sẽ hướng dẫn bạn đọc Quy trình kiểm toán BCTC chi tiết trong bài viết này.

kiểm toán báo cáo tài chính
Quy trình kiểm toán báo cáo tài chính trong doanh nghiệp

Kiểm toán báo cáo tài chính là việc kiểm tra và xác nhận về tính trung thực và hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán và báo cáo tài chính của đơn vị kế toán phục vụ đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính của đơn vị. 

Thước đo để đánh giá kiểm toán BCTC là hệ thống chuẩn mực kế toán và kiểm toán.

1. Mục tiêu kiểm toán báo cáo tài chính

  • Mục tiêu tổng quát: được hiểu là tìm kiếm bằng chứng kiểm toán để đưa ra ý kiến về tính trung thực, hợp lý của thông tin trình bày trên Bảng khai tài chính.
  • Mục tiêu kiểm toán chung: là việc xem xét đánh giá tổng thể số tiền ghi trên các chu trình. Trên cơ sở các cam kết chung về trách nhiệm của nhà quản lý về những thông tin thu được qua khảo sát thực tế ở đơn vị được kiểm toán. (Đồng thời xem xét cả tới các mục tiêu chung khác bao gồm mục tiêu có thực, đầy đủ trọn vẹn, mục tiêu về tính chính xác cơ học, mục tiêu về định giá hay phân loại trình bày, mục tiêu về quyền và nghĩa vụ).

 

kiểm toán báo cáo tài chính
Cơ sở lập kế hoạch kiểm toán

2. Quy trình kiểm toán báo cáo tài chính trong doanh nghiệp

2.1 Lập kế hoạch kiểm toán, đánh giá rủi ro và biện pháp xử lý đối với rủi ro đã đánh giá

–  Kiểm toán viên phải lập kế hoạch kiểm toán trong đó mô tả phạm vi dự kiến và cách thức tiến hành công việc kiểm toán. Kế hoạch kiểm toán phải đầy đủ, chi tiết để làm cơ sở cho chương trình kiểm toán. 

Trong bước công việc này, bắt đầu từ thư mời kiểm toán, kiểm toán viên sẽ tìm hiểu khách hàng với mục đích hình thành hợp đồng hoặc đưa ra được kế hoạch chung. Kiểm toán viên cần thu thập các thông tin cụ thể về khách hàng, tìm hiểu đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ … Bên cạnh đó, trong khi lập kế hoạch, công ty kiểm toán cũng phải có sự chuẩn bị về phương tiện và nhân viên cho việc triển khai thực hiện chương trình đã xây dựng.

Ngoài ra, KTV phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn ở cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu. Thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị. Trong đó có kiểm soát nội bộ, từ đó cung cấp cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện các biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá.

Các chuẩn mực kiểm toán liên quan:

  • Hợp đồng kiểm toán (CM 210);
  • Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị (CM 315);
  • Mức trọng yếu trong lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán (CM 320);
  • Biện pháp xử lý của KTV đối với rủi ro đánh giá (CM 330);
  • Lập kế hoạch kiểm toán (CM 300);
  • Các yếu tố cần xem xét khi kiểm toán đơn vị có sử dụng dịch vụ bên ngoài (CM 402).

2.2 Thực hiện kiểm toán

Các kiểm toán viên sẽ sử dụng các phương pháp kỹ thuật thích ứng với từng đối tượng cụ thể để thu thập bằng chứng kiểm toán. 

Thực chất của quá trình này là việc triển khai một cách chủ động và tích cực các kế hoạch, chương trình kiểm toán nhằm đưa ra ý kiến xác thực về tính trung thực và hợp lý của các thông tin trên Báo cáo tài chính dựa vào các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, có giá trị.

Đây là giai đoạn các kiểm toán viên thực hiện các thủ tục kiểm toán được hình thành từ các loại trắc nghiệm, là thủ tục kiểm soát, thủ tục phân tích và thủ tục kiểm tra chi tiết. Thủ tục kiểm toán được hình thành rất đa dạng và căn cứ vào kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng, từ đó đi đến quyết định sử dụng các thủ tục khác nhau.

Các chuẩn mực kiểm toán liên quan:

  • Thực hiện kiểm toán các khoản mục chủ yếu của BCTC;
  • Đánh giá các sai sót phát hiện trong quá trình kiểm toán (CM 450).

2.3 Tổng hợp, kết luận và hình thành ý kiến kiểm toán

Là lúc kiểm toán viên đưa ra kết luận kiểm toán. Các kết luận này nằm trong báo cáo hoặc biên bản kiểm toán. 

Để đưa ra được những ý kiến chính xác, kiểm toán viên phải tiến hành các công việc cụ thể như:

  • Xem xét các khoản nợ ngoài dự kiến, 
  • Xem xét các sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc niên độ, 
  • Xem xét tính liên tục trong hoạt động của đơn vị, 
  • Thu thập thư giải trình của Ban Giám đốc… 

Cuối cùng, kiểm toán viên tổng hợp kết quả, lập nên Báo cáo kiểm toán đồng thời có trách nhiệm giải quyết các sự kiện phát sinh sau khi lập Báo cáo kiểm toán. Tùy theo kết quả, các kiểm toán viên có thể đưa ra ý kiến: Ý kiến chấp nhận toàn phần và Ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần.

3. Ý nghĩa của việc lập kế hoạch kiểm toán

Lập kế hoạch kiểm toán là giai đoạn đầu tiên của một quy trình kiểm toán:

–  Trợ giúp kế toán viên tập trung đúng mức vào các phần hành quan trọng của cuộc kiểm toán;

– Trợ giúp kế toán viên xác định và giải quyết các vấn đề có thể xảy ra một cách kịp thời;

– Trợ giúp kế toán viên tổ chức và  quản lý cuộc kiểm toán một cách thích hợp nhằm đảm bảo cuộc kiểm toán được tiến hành một cách hiệu quả;

– Hỗ trợ trong việc lựa chọn thành viên nhóm kiểm toán có năng lực chuyên môn và khả năng phù hợp để xử lý các rủi ro dự kiến, và phân công công việc phù hợp cho từng thành viên;

– Tạo đều kiện cho việc chỉ đạo, giám sát nhóm kiểm toán và soát xét công việc của nhóm;

– Hỗ trợ việc điều phối công việc do các kế toán viên đơn vị thành viên và chuyên gia thực hiện, khi cần thiết.

Kiểm toán Báo cáo tài chính là một hoạt động kiểm tra đặc biệt nhằm xác minh tính trung thực và hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo tài chính của các tổ chức, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm việc tuân thủ các chuẩn mực và các quy định hiện hành. Hy vọng bài viết bổ sung thêm thông tin hữu ích cho bạn đọc. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

close

GIẢI ĐÁP MIỄN PHÍ 24/7

Kế toán, thuế, bảo hiểm, Doanh nghiệp...