Do tính chất và tầm quan trọng của kho hàng hóa trong doanh nghiệp nên nghiệp vụ kế toán kho là một khâu không thể thiếu trong bộ máy kế toán của công ty. Cùng kế toán Việt Hưng mô tả chi tiết nghiệp vụ của kế toán kho qua bài viết dưới đây nhé.
1. Kế toán kho là gì?
Kế toán kho là một trong những vị trí kế toán viên từng phần hành làm việc tại kho chứa hàng hóa, nguyên vật liệu trong các doanh nghiệp. Kế toán kho là người chịu trách nhiệm chính trong việc lập hóa đơn chứng từ và theo dõi chi tiết hàng hóa trong kho, bao gồm cả tình hình hàng nhập – xuất – tồn; đối chiếu các hóa đơn, chứng từ sổ sách với số liệu thực tế do Thủ kho trình lên, giúp hạn chế tối đa những rủi ro, thất thoát cho doanh nghiệp.
2. Chi tiết nghiệp vụ kế toán kho
– Khi có phát sinh, nghiệp vụ kế toán kho là phải lập đầy đủ và kịp thời các chứng từ như: Nhập, xuất hàng hóa, vật tư…
- Lập phiếu nhập kho (kèm chứng từ đầu vào: Hợp đồng, hóa đơn GTGT, Invoice, Packing List, Phiếu Xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ,…
- Lập phiếu xuất kho (kèm chứng từ đầu ra : Phiếu yêu cầu xuất vật tư, Phiếu Xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, hóa GTGT,…)
– Kiểm tra tính hợp lệ của hóa đơn, chứng từ trước khi thực hiện Nhập/Xuất kho.
– Kế toán kho chịu trách nhiệm hạch toán doanh thu, giá vốn, công nợ.
– Theo dõi công nợ nhập xuất vật tư, lập biên bản xác minh công nợ theo định kỳ.
– Nghiệp vụ kế toán kho là tính giá nhập xuất vật tư hàng nhập khẩu, lập phiếu nhập xuất và chuyển cho bộ phận liên quan.
– Kế toán kho kiểm tra các hóa đơn nhập hàng từ nhà sản xuất, xử lý tất cả các trường hợp thiếu hụt vật tư, hàng hóa.
– Phối hợp với thủ kho làm các thủ tục trong việc xuất hàng hóa cho khách hàng.
– Theo dõi lượng nhập, xuất, tồn vật tư ở tất cả các khâu, các bộ phận trong hệ thống SX, kịp thời đề xuất việc lập kế hoạch dự trữ vật tư vv…
– Thường xuyên kiểm tra và giám sát việc ghi chép vào thẻ kho của thủ kho, hàng hoá vật tư trong kho phải được sắp xếp hợp lý, kiểm tra thủ kho có tuân thủ các quy định của công ty. Đối chiếu số liệu nhập xuất của thủ kho và kế toán.
– Kế toán kho tham gia kiểm đếm số lượng hàng nhập xuất kho cùng thủ kho, nếu hàng nhập xuất có giá trị lớn.
– Tham gia công tác kiểm kê định kỳ (hoặc đột xuất), đối chiếu số liệu nhập xuất của thủ kho và kế toán. Chịu trách nhiệm lập biên bản kiểm kê.
– Lập báo cáo tồn kho, báo cáo hàng hóa nhập xuất tồn
– Kế toán kho đòi hỏi phải có sự hiểu biết nhất định về vật tư hàng hóa trong kho, nhất là những vật tư có nhiều chủng loại, quy cách mẫu mã khác nhau, vật tư là hóa chất dễ cháy nổ, dễ hư hỏng v.v…
3. Các chứng từ và sổ sách kế toán nhập xuất hàng tồn kho
Theo chế độ chứng từ kế toán kế toán chi tiết hàng tồn kho gồm có :
– Phiếu nhập kho (Mẫu số 01 – VT)
– Phiếu xuất kho (Mẫu số 02 – VT)
– Biên bản kiểm nghiệm vật tư, công cụ dụng cụ, thành phẩm, hàng hóa (Mẫu số 03 – VT)
– Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ (03 PXK – 3LL)
– Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý (04 HDL-3LL)
– Phiếu báo vật tư còn lại cuối kỳ (Mẫu số 04 – VT)
– Biên bản kiểm kê vật tư, công cụ, sản phẩm, hàng hóa… (Mẫu số 05 – VT)
– Bảng kê mua hàng (Mẫu số 06 – VT)
– Bảng phân bổ nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ (Mẫu số 07 – VT)
– Bảng kê thu mua hàng hóa mua vào không có hóa đơn (04/GTGT)
………………
Ngoài các chứng từ bắt buộc sử dụng thống nhất theo quy định của Nhà nước Các doanh nghiệp có thể sử dụng thêm chứng từ kế toán tuỳ thuộc vào đặc điểm, tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp thuộc các lính vực hoạt động, thành phần kinh tế…
Đối với các chứng từ kế toán thống nhất bắt buộc phải lập kịp thời, đầy đủ đúng quy định về mẫu biểu, nội dung, phương pháp lập, người lập chứng từ phải chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hợp pháp của các chứng từ về các nghiệp vụ kinh tế – tài chính phát sinh.
Mọi chứng từ kế toán vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, thành phẩm.. phải được tổ chức luân chuyển theo trình từ thời gian hợp lý, do kế toán trưởng quy định phục vụ cho việc phản ánh, ghi chép và tổng hợp số liệu kịp thời của các bộ phận cá nhân có liên quan.
Sổ (thẻ) kho được sử dụng để theo dõi số lượng nhập- xuất- tồn kho của từng thứ hàng tồn kho theo từng kho. Thẻ kho do phòng kế toán lập và ghi các dữ liệu: Tên, nhãn hiệu, quy cách, đơn vị tính, mã số hàng tồn kho… Sau đó giao cho thủ kho để hạch toán nghiệp vụ ở kho, không phân biệt kế toán chi tiết vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, thành phẩm theo phương pháp nào.
Các sổ (thẻ) kế toán chi tiết hàng tồn kho, sổ đối chiếu luân chuyển, sổ số dư được sử dụng để hạch toán tình hình nhập – xuất – tồn kho về mặt giá trị hoặc cả mặt giá trị và hiện vật tùy thuộc phương pháp kế toán chi tiết áp dụng trong doanh nghiệp.
Ngoài những sổ kế toán chi tiết trên còn có thể mở bảng kê nhập, bảng kê xuất, bảng kê luỹ kế tổng hợp – nhập – xuất – tồn kho vật liệu công cụ, dụng cụ, hàng hóa, thành phẩm phục vụ cho việc ghi sổ được đơn giản, nhanh chóng, kịp thời.
4. Những phương pháp kế toán chi tiết hàng tồn kho
Doanh nghiệp có thể lựa chọn 1 trong 3 phương pháp sau:
4.1 Phương pháp thẻ song song
Việc kế toán chi tiết được tổ chức tại kho và phòng kế toán.
Tại kho: Thủ kho sử dụng thẻ kho để ghi chép việc nhập xuất tồn theo số lượng. Mỗi thẻ kho dùng cho một thứ vật liệu, hàng hóa, thành phẩm, công cụ dụng cụ cùng nhãn hiệu quy cách ở cùng một kho. Phòng kế toán lập thẻ kho ghi các chỉ tiêu : tên, nhãn hiệu, quy cách, đơn vị tính, mã số hàng tồn kho, sau đó giao cho thủ kho sao chép hàng ngày.
Hàng ngày khi nhận được các chứng từ kế toán về nhập, xuất, thủ kho kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của chứng từ cho nhập xuất kho rồi ghi số lượng thực tế của hàng tồn kho nhập xuất vào chứng từ sau đó sắp xếp, chứng từ theo từng loại riêng biệt đồng thời căn cứ vào các chứng từ này thủ kho ghi số lượng hàng tồn kho nhập xuất vào thẻ kho, mỗi chứng từ ghi một dòng, mỗi ngày thủ kho ghi số tồn kho và ghi vào thẻ kho. Sau khi ghi vào thẻ kho xong, thủ kho sắp xếp lại chứng từ và lập phiếu giao nhận chứng từ rồi chuyển những chứng từ đó cho nhân viên kế toán. Khi giao nhận phải ký vào phiếu giao nhận chứng từ để làm cơ sở xác định trách nhiệm.
Tại phòng kế toán : Kế toán sử dụng thẻ hay sổ chi tiết vật liệu, hàng hóa, thành phẩm, công cụ dụng cụ để ghi chép cả số lượng lẫn giá trị của hàng tồn kho nhập xuất tồn. Thẻ hoặc sổ kế toán chi tiết được mở tương ứng với thẻ kho cho từng thứ hàng tồn kho và cho từng kho. Định kỳ nhân viên kế toán xuống kho nhận chứng từ và kiểm tra việc ghi chép của thủ kho, sau đó ký nhận vào phiếu giao nhận chứng từ. Khi nhận được chứng từ kế toán viên phải kiểm tra lai tính chất hợp lý hợp lệ của chứng từ, ghi số tiền vào chứng từ, phân loại chứng từ sau đó ghi số lượng nhập xuất lẫn giá trị vào sổ hoặc thẻ kế toán chi tiết và tính ra giá trị và số lượng tồn.
Cuối tháng sau khi đã ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh xong, kế toán tiến hành tính ra tổng số nhập, xuất và từ đó tính ra số tồn về cả số lượng lẫn giá trị. Số lượng hàng tồn kho ở sổ hoặc thẻ kế toán chi tiết được dùng để đối chiếu với thẻ kho của từng thứ hàng tồn kho và đối chiếu với số liệu kiểm kê thực tế. Trong trường hợp có chênh lệch thì phải kiểm tra xác minh và tiến hành điều chỉnh theo chế độ quy định. Trên cơ sở số liệu tổng hợp của các sổ chi tiết kế toán sẽ lập bảng tổng hợp nhập xuất tồn kho vật liệu, hàng hóa, thành phẩm, công cụ dụng cụ.
Ưu điểm: Dễ làm, dễ ghi chép, dễ kiểm tra đối chiếu.
Nhược điểm: Công việc ghi chép nhiều trùng lắp giữa phòng kế toán và kho.
4.2 Phương pháp sổ đối chiếu luân chuyển
Phương pháp này được xây dựng trên cơ sở cải tiến phương pháp thẻ song song.
Tại kho: Thủ kho sử dụng thẻ kho để ghi chép, số lượng hàng tồn kho nhập xuất tồn giống như phương pháp thẻ song song.
Tại phòng kế toán: Kế toán sử dụng “sổ đối chiếu luân chuyển”để ghi chép số lượng và giá trị của hàng tồn kho xuất nhập tồn của từng thứ vật liệu, thành phẩm, hàng hóa, công cụ, dung cụ trong từng kho và chỉ ghi một lần vào cuối tháng trên cơ sở tổng hợp số liệu của các chứng từ phát sinh trong tháng. Mỗi thứ vật liệu được ghi 1 dòng trên sổ đối chiếu luân chuyển, khi nhận chứng từ kế toán viên cũng tiến hành kiểm tra chứng từ về tính hợp lý, hợp lệ .
Số lượng và giá trị của hàng tồn kho ghi trên sổ đối chiếu luân chuyển được dùng để đối chiếu với số lượng trên các thẻ kho và với giá trị trên sổ kế toán tổng hợp.
Phương pháp này đã hạn chế được một phần khối lượng ghi chép nhưng công việc được dồn vào cuối tháng nên số liệu báo cáo chậm.
4.3 Phương pháp sổ số dư
Phương pháp sổ số dư là một bước cải tiến căn bản trong việc tổ chức hạch toán chi tiết hàng tồn kho. Đặc điểm nổi bật của phương pháp này là kết hợp chặt chẽ việc hạch toán nghiệp vụ của thủ kho với việc ghi chép của phòng kế toán và trên cơ sở kết hợp đó ở kho chỉ hạch toán về số lượng và ở phòng kế toán chỉ hạch toán về giá trị của vật liệu, công cụ dụng cụ, thành phẩm, hàng hóa xóa bỏ được ghi chép trùng lắp giữa kho và phòng kế toán, tạo điều kiện thực hiện kiểm tra thường xuyên và có hệ thống của kế toán đối với thủ kho, đảm bảo số liệu kế toán chính xác kịp thời.
Tại kho: Hàng ngày hoặc định kỳ 3 -5 ngày sau khi ghi thẻ xong, thủ kho phải tập hợp toàn bộ các chứng từ nhập xuất kho phát sinh trong ngày hoặc trong kỳ theo từng nhóm vật liệu quy định. Căn cứ vào kết quả phân loại chứng từ của từng loại hàng tồn kho lập phiếu giao nhận chứng từ kê rõ số lượng, số hiệu các chứng từ của từng loại vật liệu, công cụ, dụng cụ, thành phẩm, hàng hóa tồn kho. Phiếu giao nhận chứng từ phải lập riêng cho phiếu nhập kho một bản, phiếu xuất kho một bản. Phiếu này sau khi lập xong được đính kèm với các tập phiếu nhập hoặc phiếu xuất để giao cho kế toán. Ngoài ra cuối tháng thủ kho còn phải căn cứ vào các thẻ kho đã được kế toán kiểm tra, ghi số lượng hàng tồn kho tồn kho cuối tháng để ghi vào sổ số dư. Sổ số dư kế toán mở cho từng kho, dùng cho cả năm và giao cho thủ kho trước ngày cuối tháng. Trong sổ số dư các danh điểm được in sẵn, sắp xếp theo thứ tự trong từng nhóm và loại hàng tồn kho. Ghi sổ số dư xong thủ kho chuyển giao cho phòng kế toán để kiểm tra và tính thàn tiền. Nhân viên kế toán phụ trách kho nào phải thường xuyên xuống kho để hướng dẫn và kiểm tra việc ghi chép của thủ kho, nhận chứng từ và ký vào thẻ kho và phiếu giao nhận chứng từ.
Sơ đồ kế toán chi tiết nguyên vật liệu theo phương pháp sổ số dư
Tại phòng kế toán: Hàng ngày hoặc định kỳ kế toán nhận chứng từ và kiểm tra việc ghi chép của thủ kho. Khi chứng từ về phòng kế toán nhân viên kế toán hoàn chỉnh chứng từ sau đó tổng hợp giá trị hàng tồn kho nhập xuất kho theo từng thứ vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng hóa, thành phẩm ghi vào phiếu giao nhận chứng từ để từ đó ghi vào bảng kê lũy kế nhập xuất tồn kho hàng tồn kho, bảng này được mở cho từng kho. Cuối tháng kế toán tổng hợp toàn bộ giá trị hàng tồn kho nhập xuất kho trong tháng theo từng thứ vật liệu, công cụ, dụng cụ, hang hóa, thành phẩm ở bảng kê lũy kế nhập xuất tồn vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng hóa, thành phẩm để ghi vào bảng tổng hợp nhập xuất tồn. Số tồn kho cuối tháng trên bảng tổng hợp nhập xuất tồn được dùng để tiến hành đối chiếu số dư bằng tiền trên sổ số dư. Để phục vụ cho công việc đối chiếu này cuối tháng khi nhận được sổ số dư, kế toán căn cứ vào số lượng vật liệu ghi trên sổ để tính thành tiền . Như vậy số dư trên sổ số dư phải bằng với số dư trên bảng tổng hợp nhập xuất tồn kho hàng tồn kho. Ngoài ra số liệu trên bảng tổng hợp nhập xuất tồn còn được dùng để đối chiếu với số liệu kế toán tổng hợp.
Phương pháp này có ưu điểm là giảm bớt được khối lượng ghi chép, tránh trùng lắp và công việc được dải đều trong tháng đồng thời kiểm tra được thường xuyên tình hình ghi chép của thủ kho. Tuy nhiên nếu muốn biết được số liệu về mặt số lượng thì phải xem tài liệu của kho.
Trên đây là chi tiết nghiệp vụ kế toán kho cần nắm vững để hoàn thành tốt công việc của mình. Nếu có câu hỏi hay thắc mắc hãy liên hệ với kế toán Việt Hưng để được tư vấn và hỗ trợ các bạn nhé. Chúc các bạn thành công!