Tổng hợp 5 quy định mới về hoá đơn từ ngày 01/11/2021

Hóa đơn là 1 loại tài liệu/giấy tờ trong đó ghi rõ loại mặt hàng, số lượng, đơn giá theo đúng quy định của pháp luật để yêu cầu bên mua thanh toán. Đây là loại giấy tờ quan trọng đối với các kế toán viên, bởi nó ảnh hưởng lớn đến hoạt động kế toán trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến hoá đơn thường được cập nhật thường xuyên. Cùng Kế Toán Việt Hưng cập nhật ngay 5 điểm mới quy định về hoá đơn có hiệu lực từ ngày 01/11/2021.

5 quy định mới về hoá đơn từ ngày 01/11/2021

1. Thực hiện thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử tại sáu tỉnh thành

Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Hải Phòng và Bình Định sẽ là 6 địa phương bắt đầu thực hiện thí điểm dừng sử dụng hóa đơn giấy, kể từ ngày 01/11/2021.

Theo Công văn 10847 của BTC, để thực hiện hóa đơn điện tử hiệu quả theo các quy định mới, Bộ này đã lập kế hoạch triển khai thí điểm từ tháng 11/2021 tại 06 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh

Theo đó, những doanh nghiệp tại các 6 tỉnh thành phố nêu trên đây cần đặc biệt lưu ý về việc thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử bắt đầu từ ngày 01/11/2021 theo quy định của Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC.

Trên cả nước, từ ngày 01/7/2022, việc sử dụng hóa đơn điện tử chính thức được áp dụng.

5 quy định mới về hoá đơn từ ngày 01/11/2021

Một vài lợi ích khi doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử:

– Tiết kiệm thời gian trong việc đặt in, thông báo phát hành hóa đơn.

– Giảm bớt chi phí in hóa đơn và chi phí bưu điện gửi, bảo quản cũng như lưu trữ hoá đơn… so với việc sử dụng hoá đơn giấy, từ đó, giúp cho doanh nghiệp, tổ chức tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

– Thuận tiện hơn trong hạch toán kế toán và đối chiếu dữ liệu. Giúp quá trình xử lý diễn ra nhanh hơn, thông tin trên hóa đơn điện tử được liên kết trực tiếp vào hệ thống kế toán và hệ thống thanh toán của doanh nghiệp mua bán hàng hoá, dịch vụ;

– Việc lập, gửi hay nhận hóa đơn cho Khách hàng được thực hiện nhanh chóng thông qua các phương tiện điện tử mà không phải gửi hóa đơn qua đường bưu điện hoặc nhà vận chuyển.

– Giảm rủi ro mất, cháy hóa đơn cũng như các khoản phạt liên quan đến hoá đơn.

2. Cách viết hóa đơn khi được giảm thuế giá trị gia tăng kể từ 01/11/2021

Bắt đầu từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021, nhiều hàng hóa và dịch vụ sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đúng theo tinh thần của Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15.

Việc lập hóa đơn đối với các hàng hóa và dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) được hướng dẫn theo Nghị định 92/2021/NĐ-CP như sau:

– Trong trường hợp doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Khi lập hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT) cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “mức thuế suất theo quy định (5% hoặc 10%) x 70%”; tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán;

– Trường hợp tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu

Khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, trong cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, trong dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 30% mức tỷ lệ trên doanh thu, đồng thời cần ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 30% mức tỷ lệ để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15”.

Đây là 1 lưu ý hết sức quan trọng đối với kế toán viên về việc sử dụng hóa đơn tính từ thời điểm 01/11/2021.

3. Phải lập hóa đơn riêng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT

Phải lập hóa đơn riêng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT

Theo Nghị quyết 406 quy định rằng một loạt các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT từ 01/11/2021 đến 31/12/2021, cụ thể:

– Dịch vụ vận tải (vận tải đường thủy, vận tải đường sắt, vận tải đường bộ khác, vận tải hàng không);

– Dịch vụ lưu trú; dịch vụ của các đại lý du lịch; dịch vụ ăn uống, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá, tổ chức tua du lịch;

– Sản phẩm – dịch vụ xuất bản;

– Dịch vụ điện ảnh, ghi âm và xuất bản âm nhạc, sản xuất chương trình truyền hình; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, giải trí, nghệ thuật;

– Dịch vụ của thư viện, bảo tàng, lưu trữ và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.

(*)Không bao gồm những phần mềm xuất bản và hàng hóa, dịch vụ sản xuất và kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

Theo khoản 4 Điều 3 được quy định trong Nghị định 92 hướng dẫn của Nghị quyết 406, trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh nhiều hàng hóa, dịch vụ, thì khi lập hóa đơn, tổ chức, doanh nghiệp lập hóa đơn riêng cho từng hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT.

4. Điều chỉnh những sai sót khi lập hóa đơn theo mức thuế chưa giảm

Khoản 5 Điều 4 của Nghị định 92/2021/NĐ-CP đã chỉ rõ rằng, trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất, hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm, thì sẽ chia ra các trường hợp sau:

– Người bán và người mua lập biên bản hoặc phải có văn bản thỏa thuận, ghi rõ những sai sót

– Người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót đó và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua.

Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh này, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có) theo mẫu để thực hiện việc điều chỉnh đó.

5. Cách xử lý hóa đơn là vé có in sẵn mệnh giá

Nếu tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nằm trong các đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết và có nhu cầu sử dụng tiếp, theo khoản 6 Điều 3 của Nghị định 92, các doanh nghiệp, tổ chức này cần đóng dấu theo giá đã giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT hoặc giá đã giảm 30% mức tỷ lệ %, bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.

1 số điểm đáng lưu ý về giảm thuế giá trị gia tăng tại Nghị quyết 406

Tại Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 quy định: “Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây: (i) Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); Dịch vụ lưu trú; Dịch vụ ăn uống; Dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; (ii) Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; Dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; Tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; Dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; Dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí. Hàng hóa, dịch vụ trong nhóm (ii) không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

Dựa trên phương pháp tính thuế, mức giảm thuế GTGT được áp dụng như sau:

Thứ nhất: doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT.

Thứ 2: doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT.

5 thông tin liên quan đến hoá đơn, cũng là 5 vấn đề mới được cập nhật cần áp dụng ngay từ 01/11/2021. Vì thế, bạn cần phải đọc, tìm hiểu và bổ sung các thông tin cần thiết để có sự điều chỉnh phù hợp liên quan đến doanh nghiệp, tổ chức mà mình đang công tác. Truy cập website để học hỏi thêm kinh nghiệm, bổ sung thêm kiến thức và cập nhật thêm thông tin mới mỗi ngày. Mọi thông tin cần tư vấn vui lòng liên quan qua fanpage của chúng tôi để được hỗ trợ. Chúc bạn luôn hoàn thành tốt công việc được giao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

close

GIẢI ĐÁP MIỄN PHÍ 24/7

Kế toán, thuế, bảo hiểm, Doanh nghiệp...