Nhiệm vụ của kế toán tài sản cố định trong doanh nghiệp

Kế toán tài sản cố định là trực tiếp tham gia kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của nhà nước. Lập các báo cáo về tài sản cố định của đơn vị. Kế toán doanh nghiệp – HCSN  tiến hành phân tích tình hình trang bị, huy động, bảo quản và sử dụng tài sản cố định nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của tài sản cố định.

kế toán tài sản cố định
Nhiệm vụ của kế toán tài sản cố định trong doanh nghiệp

1. Khái niệm

Tài sản cố định là những tài sản có giá trị lớn và thời gian sử dụng dài.

– Đối với đơn vị HCSN:

Theo quy định hiện hành, những tài sản sử dụng cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị HCSN thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện sau được coi là TSCÐ:

  • Có giá trị từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên;
  • Thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên.

Đối với các TSCĐ sử dụng trong SXKD của đơn vị HCSN, tiêu chuẩn về giá trị và thời gian được quy định như trong các doanh nghiệp.

Trong một số trường hợp đặc biệt, có những tài sản ở đơn vị hành chính sự nghiệp không đủ hai tiêu chuẩn trên nhưng vẫn được xếp vào TSCĐ như các bộ sách quý về chuyên môn, khoa học, lịch sử… ở các viện nghiên cứu, thư viện, bảo tàng; các di vật lịch sử, các kỷ vật, lưu niệm… có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao v.v…

Các tư liệu lao động sau đây dù có đủ tiêu chuẩn về giá trị nhưng dễ hỏng, dễ vỡ nên không coi là TSCĐ: Các dụng cụ bằng thuỷ tinh, sành sứ… (trừ các dụng cụ thí nghiệm, nghiên cứu khoa học).

Ngoài ra còn có các TSCĐ vô giá, bao gồm các tài sản đặc biệt, không thể đánh giá được bằng giá trị nhưng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ về mặt hiện vật (các cổ vật, các bộ sách cổ, hiện vật trong các bảo tàng…).

– Đối với đơn vị Doanh nghiệp:

Bộ phận quan trọng nhất trong các tư liệu lao động được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là các TSCĐ. Trong quá trình tham gia vào sản xuất, tư liệu lao động này chủ yếu được sử dụng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp và có thể tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất nhưng vẫn không thay đổi hình thái vật chất ban đầu. Thông thường một tư liệu lao động được coi là một TSCĐ phải đồng thời thoả mãn 2 tiêu chuẩn cơ bản sau:

– Một là phải có thời gian sử dụng trên 1 năm hoặc một kỳ sản xuất kinh doanh (nếu trên 1 năm)

  • Hai là phải đạt một giá trị tối thiểu ở một mức quy định.

2. Phân loại TSCĐ

2.1 Theo hình thái vật chất

TSCÐ được phân loại thành TSCÐ hữu hình và TSCÐ vô hình.

– TSCĐ hữu hình là TSCĐ có hình thái vật chất cụ thể, có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định. TSCĐ hữu hình bao gồm:

  • Nhà cửa: Nhà làm việc, nhà hát, nhà bảo tàng, cung văn hoá, nhà luyện tập sức khoẻ và thi đấu thể thao, phòng nghiên cứu thí nghiệm, thực hành, lớp học, giảng đường, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, nhà để khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân, nhà nghỉ, nhà an dưỡng, hội trường, nhà để xe…
  • Vật kiến trúc: giếng khoan, sân bóng rổ, bể nước, bể bơi, tường rào, hệ thống cấp thoát nước, đê đập, đường xá, cầu cống (do đơn vị đầu tư xây dựng)…
  • Máy móc, thiết bị dùng cho công tác chuyên môn, cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ cho nhu cầu phúc lợi của đơn vị.
  • Phương tiện vận tải, truyền dẫn như: ô tô, xe máy, tàu thuyền,… các thiết bị truyền dẫn thông tin. o Thiết bị, dụng cụ quản lý sử dụng trong công tác quản lý và văn phòng: máy tính, máy chữ, tủ lạnh, thiết bị, dụng cụ đo lường…
  • Cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm: phản ánh giá trị các loại TSCĐ là cơ thể sống, cây lâu năm, súc vật làm việc và súc vật cho sản phẩm, vườn cây cảnh, súc vật cảnh…
  • TSCĐ khác gồm các loại TSCĐ hữu hình khác chưa được quy định ở trên, chủ yếu là TSCĐ mang tính đặc thù như tác phẩm nghệ thuật, sách, báo khoa học, kỹ thuật trong các thư viện và sách phục vụ chuyên môn, các vật trưng bày trong các bảo tàng…

– TSCÐ vô hình là những tài sản của đơn vị nếu thoả mãn đồng thời cả 2 tiêu chuẩn của TSCĐ nhưng không có hình thái vật chất. TSCÐ vô hình bao gồm: giá trị quyền sử dụng đất, bằng phát minh sáng chế, phần mềm máy vi tính, bản quyền tác giả…

2.2 Theo mục đích sử dụng

Tài sản cố định được phân thành:

  •  TSCĐ dùng cho hoạt động hành chính sự nghiệp.
  • TSCĐ dùng cho hoạt động chương trình, dự án, đề tài.
  • TSCĐ chuyên dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • TSCĐ dùng vào mục đích phúc lợi.

3. Nhiệm vụ của kế toán tài sản cố định

  • Ghi chép, phản ánh tổng hợp chính xác, kịp thời số lượng, giá trị TSCĐ hữu hình hiện có
  • Tình hình tăng giảm và hiện trạng TSCĐ hữu hình trong phạm vi toàn đơn vị, cũng như tại từng bộ phận sử dụng TSCĐ hữu hình. Tạo điều kiện cung cấp thông tin để kiểm tra, giám sát thường xuyên việc giữ gìn, bảo quản, bảo dưỡng TSCĐ hữu hình và kế hoạch đầu tư đổi mới TSCĐ HH trong từng đơn vị.
  • Tính toán và phân bổ chính xác mức khấu hao TSCĐ hữu hình vào chi phí sản xuất kinh doanh theo mức độ hao mòn của tài sản và chế độ quy định. 
  • Tham gia lập kế hoạch sửa chữa và dự toán chi phí sửa chữa TSCĐ, giám sát việc sửa chữa TSCĐ hữu hình về chi phí và kết quả của công việc sửa chữa.
  • Tính toán phản ánh kịp thời, chính xác tình hình xây dựng trang bị thêm, đổi mới, nâng cấp hoặc tháo dỡ bớt làm tăng giảm nguyên giá TSCĐ hữu hình cũng như tình hình quản lý, nhượng bán TSCĐ hữu hình.
  • Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, các bộ phận trực thuộc trong các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ ghi chép ban đầu về TSCĐ hữu hình
  • Mở các sổ, thẻ kế toán cần thiết và hạch toán TSCĐ theo chế độ quy định.

4. Trách nhiệm của kế toán tài sản cố định

  •  Nhận và cập nhật chứng từ về TSCĐ, kiểm tra xác nhận TSCĐ khi nhập.
  •  Lập biên bản bàn giao và bàn giao tài sản cho đơn vị (bộ phận) công ty.
  •  Lập và giao biên bản bàn giao trách nhiệm sử dụng tài sản.
  •  Tập hợp chi phí xây dựng cơ bản, chi phí sửa TSCĐ, chi phí sửa chữa nhà xưởng, lập quyết toán xây dựng cơ bản, chi phí sửa chữa hoàn thành.
  •  Cập nhật tăng giảm TSCĐ, lập danh sách tăng giảm TSCĐ từng tháng, năm.
  •  Xác định thời gian khấu hao TSCĐ (theo khung quy định nhà nước), tính khấu hao TSCĐ, chuyển số liệu khấu hao tháng cho từng bộ phận để hạch toán
  •  Lập biên bản thanh lý TSCĐ.
  • Lập thẻ TSCĐ, sổ TSCĐ, Hồ sơ TSCĐ.
  • Lập danh mục hồ sơ, tài liệu tài sản, sắp xếp và lưu hồ sơ TSCĐ.
  • Kiểm kê TSCĐ 6 tháng hoặc cuối năm.
  • Cung cấp số liệu và tài liệu liên quan về TSCĐ khi có yêu cầu của phòng kế toán.

Để trở thành một kế toán tài sản cố định, bạn cần phải nắm vững các công việc cần làm, nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành nghề. Như vậy mới giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng các tài sản cố định, hạn chế khấu hao và các khoản chi phí không đáng có. Chúc bạn thành công. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

close

GIẢI ĐÁP MIỄN PHÍ 24/7

Kế toán, thuế, bảo hiểm, Doanh nghiệp...