Kế toán nhà hàng, khách sạn là một công việc khá phức tạp vì nó gần như tổng hợp 3 loại hình doanh nghiệp: Thương mại, dịch vụ và sản xuất. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các nhà hàng, khách sạn như hiện nay thì nhu cầu tuyển dụng Nhân viên kế toán nhà hàng khách sạn rất lớn, mở ra nhiều cơ hội dành cho những ai theo đuổi công việc này. Từ vị trí Nhân viên kế toán, bạn có thể thăng tiến thành Kế toán trưởng sau một thời gian làm việc nếu có đủ trình độ, kinh nghiệm.
Là người quyết định và có trách nhiệm cao nhất tại phòng Kế toán, một Kế toán trưởng trong Khách sạn – Nhà hàng phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và kỹ năng sau đây:
1. Đạt đủ điều kiện tham gia ứng tuyển Kế toán trưởng nhà hàng – khách sạn
Kế toán trưởng cần có bằng Đại học hoặc Cao đẳng chuyên ngành liên quan đến kế toán, có kinh nghiệm và có chứng chỉ bồi dưỡng Kế toán trưởng là 3 tiêu chuẩn đầu tiên và bắt buộc phải có nếu muốn trở thành Kế toán trưởng trong Nhà hàng – Khách sạn.
Ngoài ra, Kế toán trưởng cũng phải là người nắm rõ & thành thạo mọi nghiệp vụ kế toán, tin học văn phòng, phần mềm kế toán, biết làm báo cáo, trình bày báo cáo, kê khai hóa đơn chứng từ có liên quan,…
=> 1 ứng viên thông thường sẽ mất khoảng 6 năm (bao gồm 2 năm cho công việc kế toán phải thu và kế toán phải trả; 2 năm cho công việc kế toán kho và kế toán giá thành; 2 năm cho công việc kế toán tổng hợp hoặc kế toán quản trị) kể từ khi đi làm trau dồi rèn luyện kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm.
2. Các vị trí cần nắm rõ để trở thành một Kế toán tổng hợp chuyên nghiệp
Thông thường có 3 vị trí liền kề có thể trở thành kế toán trưởng đó là: kế toán tổng hợp – kế toán quản trị & kiểm toán viên cao cấp. Nên phải làm 1 trong 3 vị trí đó trước khi làm kế toán trưởng. Điểm chung của 3 vị trí này là nắm rõ các công việc kế toán chi tiết và chỉ kém kế toán trưởng ở chỗ tầm nhìn tổng quát, cụ thể. Các bạn cần phải học qua các vị trí sau để có thể nắm rõ công việc trước khi có thể trở thành Kế toán trưởng:
Kế toán phải thu
Hạch toán, theo dõi và quản lý các khoản công nợ phải thu của công ty. Công việc này khá đơn giản nên thưởng dành cho các bạn kế toán viên mới.
Kế toán phải trả
Hạch toán, theo dõi và quản lý các khoản công nợ phải trả của công ty. Vị trí này quan trọng hơn kế toán phải thu một chút và có yêu cầu cao hơn vì kiểm tra chứng từ thanh toán phức tạp hơn phải thu, phải đảm bảo khớp số liệu từ đơn hàng và hóa đơn.
Kế toán hàng tồn kho
Thực hiện đối chiếu hàng tồn kho giữa thực tế và sổ sách. Làm việc với thủ kho để xác định chênh lệch nếu có, và tìm nguyên nhân cũng như xử lý.
Kế toán giá thành
Kiểm tra chi phí, tính toán giá thành và phân tích giá thành sản phẩm. Vị trí này khá quan trọng, bạn cần có kiến thức về hàng tồn kho và chi phí thì mới làm tốt được.
Kế toán tài sản cố định
Theo dõi các khoản đầu tư, mua sắm, trích khấu hao và thanh lý TSCĐ.
Lập ngân sách
Tham gia lập ngân sách cho công ty. Phần này tuy theo tổ chức của mỗi doanh nghiệp, có doanh nghiệp kế toán trưởng sẽ làm ngân sách, có doanh nghiệp kiểm soát tài chính sẽ làm.
Kế toán thuế và thống kê theo quy định
Bao gồm tất cả các loại thuế trong công ty như thuế môn bài, GTGT, TNCN, TNDN, TTĐB…Tuy nhiên, bạn cần ưu nghiên cứu sâu 3 loại thuế phức tạp và quan trọng là thuế GTGT, TNDN và TNCN, các loại thuế khác rất đơn giản, bạn chỉ việc đọc luật thuế là có thể làm được.
Quản lý về mặt kế toán
Đảm bảo hạch toán đúng, đủ và kịp thời các nghiệp vụ kế toán. Phải đảm bảo các chứng từ, hóa đơn của doanh nghiệp là hợp pháp. Lập báo cáo hàng tháng, theo dõi các khoản chi phí trích trước, chờ phân bổ. Đảm bảo báo cáo kịp thời, đúng thời hạn.
Các công việc khác
Kiểm tra và phân bổ chi phí trong kỳ, làm việc với ngân hàng, kiểm toán khi cần.
Tất cả những công việc trên đều rất quan trọng nhưng quan trọng nhất bạn phải nắm rõ phần kế toán giá thành và kế toán thuế thì mới có thể làm kế toán trưởng được. Phần giá thành đảm bảo cho bạn có hiểu biết toàn diện về chi phí và lên báo cáo thu nhập; Phần thuế đảm bảo cho công ty của bạn hoạt động đúng luật và tránh bị phạt thuế khi thanh tra.
3. Trình độ chuyên sâu đặc thù về nhà hàng – khách sạn
Đòi hỏi người Kế toán trưởng phải nắm rõ & hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực đó, tức nắm được công việc mà mình phải làm. Như trong ngành Khách sạn – Nhà hàng, Kế toán trưởng phải:
– Chịu trách nhiệm giám sát & chỉ đạo mọi vấn đề liên quan đến kế toán tài chính của doanh nghiệp;
– Nắm bắt phân công nhiệm vụ, quản lý và đánh giá được khả năng làm việc của từng vị trí kế toán thuộc phòng Kế toán
– Tư duy sáng tạo phát triển công tác kế toán hành chính & hệ thống văn bản pháp luật để duy trì hoạt động tối ưu, chính xác và phù hợp cho khách sạn
– Duy trì và kịp thời cập nhật các quy định, chính sách mới để ứng dụng cho mô hình khách sạn – nhà hàng (dịch vụ)
– Rà soát, kiểm tra sai sót của các báo cáo đã làm và điều chỉnh kịp thời nếu phát hiện sai lệch
– Kiểm tra và ký duyệt các giấy tờ hàng ngày/ tháng/ quý/ năm có liên quan
– Sắp xếp, lưu trữ – bảo quản cẩn thận sổ sách kế toán theo quy định, v.v….
4. Năng lực tổ chức công việc & quản lý nhân sự tốt
Chỉ khi Kế toán trưởng có khả năng tổ chức công việc, biết cách quản lý nhân sự tốt thì mới đảm bảo tính công bằng trong phân chia quyền hạn và nghĩa vụ của mỗi nhân viên; biết cách đào tạo và tạo động lực cho nhân viên làm việc; xác định và phát triển khả năng lãnh đạo của những nhân viên ưu tú;…
Đảm bảo môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh, công bằng và khách quan.
=> 1 trong những nhiệm vụ chính của Kế toán trưởng là quản lý và điều hành bộ máy nhân sự thuộc phòng Kế toán, bao gồm cả phân công công việc, chỉ đạo làm việc và đào tạo, hướng dẫn, kiểm tra tính hiệu quả trong công việc của nhân viên,…
5. Kỹ năng giao tiếp tốt, ứng xử – ứng biến tình huống khéo léo
Do phải hàng ngày tiếp xúc với nhiều người, từ cấp trên, đồng nghiệp đến nhân viên cấp dưới, đối tác và khách hàng.
Vì vậy kỹ năng giao tiếp, ứng xử – ứng biến tình huống khéo léo là đặc biệt quan trọng giúp Kế toán trưởng tạo được ấn tượng và niềm tin với người đối diện
=> Giúp ích rất nhiều cho công việc (đàm phán, thuyết phục) và cho sự thăng tiến trong tương lai (cấp trên tin dùng, cấp dưới nể phục).
6. Thông thạo máy tính và giỏi ngoại ngữ
– Vì là lĩnh vực đặc thù phải giao thiệp nhiều nên không tránh được các đối tác, khách hàng & đồng nghiệp là người nước ngoài – nên tối thiểu phải giỏi Tiếng Anh thông dụng toàn cầu. Nhằm để đọc hiểu các tài liệu kế toán; lập báo cáo tài chính kế toán; giao tiếp với cấp trên, đối tác và khách hàng là người nước ngoài
– Phải thông thạo gần như tất cả các phần mềm vi tính văn phòng: Từ Word để soạn văn bản, lập báo cáo; excel để tính toán, lập bảng số liệu cho đến Power-point để thuyết trình.
7. Trang bị hành trang kỹ năng thiết yếu khác
– Có khả năng xử lý tình huống phát sinh: nhạy bén và linh hoạt là 2 kỹ năng cần có của Kế toán trưởng trong việc tiếp nhận và xử lý những sự cố phát sinh liên quan đến giấy tờ, sổ sách, bất đồng ý kiến giữa cấp trên với nhân viên và nhân viên với nhân viên,…
– Am hiểu về luật: phải thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tư quy định mới liên quan đến lĩnh vực Kế toán; áp dụng vào công việc thực tế để đảm bảo tính hợp pháp của chứng từ, hóa đơn, sổ sách.
– Chịu được áp lực công việc cao khi hàng ngày phải tiếp xúc với những con số, tiền tệ và giấy tờ cùng khối lượng công việc cực kỳ lớn, mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến pháp luật cực kỳ cao.
– Thiết lập các mối quan hệ hòa đồng, cởi mở với tất cả mọi người, kể cả trong khối Tài chính – Kế toán và các bộ phận khác trong Khách sạn – Nhà hàng
– Khả năng tư duy tốt, nhất là tuy duy toán học, tư duy logic để có thể nắm bắt nhanh hệ thống bảng biểu, biểu đồ, lược đồ và những phép tính phức tạp.
– Cẩn thận và trung thực: đây là 2 yếu tố bắt buộc phải có của không chỉ Kế toán trưởng mà của tất cả các kế toán từng phần hành khác; luôn đảm bảo thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với công việc được giao.
Bạn muốn trở thành Kế toán trưởng Nhà hàng – Khách sạn chuyên nghiệp không khó. Khi còn đi học hãy cố gắng nắm vững lý thuyết, khi đi làm hãy ham học hỏi, nhiệt tình, yêu nghề. Trung bình các bạn mất 2 năm cho 2 công việc kế toán và kế toán phải trả, 2 năm cho công việc kế toán kho và giá thành, 2 năm cho kế toán tổng hợp hoặc kế toán quản trị. Như vậy trung bình sau 6 năm kể từ khi đi làm là các bạn có thể đạt được vị trí kế toán trưởng. Chúc các bạn thành công!
chuyện là em vẫn chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn, nhờ mọi người hướng dãn thêm giúp em nha.
1) Khi khách thuê phòng ngắn hạn (khoảng từ 3 – 4 ngày), khách lẻ thì không có thông tin hoá đơn, vậy lúc em xuất hoá đơn là xuất tên khách hàng trực tiếp luôn hay gom vào cuối mỗi ngày xuất 1 lần là khách không lấy hoá đơn???
2) Khách đặt phòng qua Agoda, lúc em xuất hoá đơn là xuất cho Agoda luôn đúng không?? Và họ sẽ lấy phí hoa hồng trực tiếp hay như thế nào?? Em sẽ hạch toán ra sao???
3) Giá vốn trong lĩnh vực khách sạn thì bao gồm những gì??? Ngoài những cái nêu trên, anh chị còn có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này thì chia sẽ em với, em cảm ơn ạ
Chào bạn, với câu hỏi này Kế Toán Việt Hưng xin trả lời như sau:
1, Chia làm 2TH
TH1: Nếu khách lẻ không lấy hóa đơn có giá trị trên 200.000 đồng, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.” việc xuất hóa đơn vẫn là bắt buộc.
TH2: Đơn hàng có giá trị dưới 200.000 đồng và khách không lấy hóa đơn thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn. Khi bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn, người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hoá đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng ghi số tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tiêu thức “Tên, địa chỉ người mua” trên hoá đơn này ghi là “bán lẻ không giao hoá đơn”.
2, do khách hàng là người trực tiếp sử dụng dịch vụ phòng của khách sạn, Agoda chỉ là đơn vị trung gian môi giới đặt phòng hưởng hoa hồng và là công ty nước ngoài chỉ mở văn phòng đại diện tại VN chứ k phải chi nhánh(k thể xuất hóa đơn) nên mình có trách nhiệm lập hóa đơn giao cho khách hàng theo giá bán đã bao gồm cả tiền hoa hồng phải trả cho Agoda. KS hạch toán vào chi phí bán hàng, được trừ khi tính thuế TNDN đối với khoản tiền hoa hồng trả cho Agoda và được khấu trừ số thuế GTGT nộp hộ theo quy định hiện hành.
3, Giá thành của hoạt động cho thuê phòng khách sạn bao gồm:
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Là các chi phí chi ra cho khách tiêu dùng nhưng không phải trả tiền, phát sinh tại phòng ngủ như: Bàn chải răng, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội đầu, giấy vệ sinh, tăm bông… và các chi phí nước uống, cà phê, trà, bánh kẹo, trái cây hoặc báo phục vụ tại phòng miễn phí cho khách.
Chi phí nhân công trực tiếp: Bao gồm tiền lương và các khoản trích theo lương của nhân viên phục vụ phòng, dọn phòng.
Chi phí sản xuất chung:
Chi phí tiền lương: Lương và các khoản trích theo lương của nhân viên quản lý khách sạn, nhân viên vệ sinh chung, nhân viên bảo vệ…
Chi phí vật liệu: Mua báo, hoa tươi, nước uống chung tại phòng tiếp khách hay phòng chờ.
Chi phí công cụ, dụng cụ: Phân bổ chi phí Drap, gối, mền, khăn tắm, khăn mặt, tranh treo tại phòng, bàn ghế, giường tủ, máy lạnh, máy nước nóng, máy sấy tóc, tivi…
Chi phí khấu hao: Khấu hao nhà, dàn lạnh và các thiết bị khác trong khách sạn…
Chi phí dịch vụ mua ngoài: Tiền điện, nước, điện thoại…
Chi phí bằng tiền khác: Vệ sinh, phòng cháy nổ…
Bạn muốn đặt câu hỏi và nhận câu trả lời nhanh nhất về nghiệp vụ kế toán, truy cập ngay Cộng Đồng Làm Kế Toán https://www.facebook.com/groups/congdonglamketoan/ của chúng tôi nhé! Hotline tư vấn về khóa học: 0988.680.223