Hiểu về chi phí lãi vay của doanh nghiệp là như thế nào? Vậy khoản lãi vay có bị trừ khi tính thuế TNDN của doanh nghiệp có được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp không? Cần những yếu tố nào để có thể tính chi phí hợp lý.
1. Khái niệm về chi phí lãi vay
Chi phí lãi vay là lãi và chi phí cho vay liên quan trực tiếp đến khoản vay kinh doanh. Nó cũng là một báo cáo thu nhập được sử dụng bởi doanh nghiệp để báo cáo số tiền lãi kiếm được từ khoản vay trong một khoảng thời gian cố định nào đó.
2. Phương thức tính lãi suất khi thiếu vốn điều lệ
Tìm hiểu Thông tư 96/2015/TT-BTC
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định các khoản chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN bao gồm:
Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay. Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư. Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau: – Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ. – Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn: + Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay. + Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu. |
(Lãi vay thực hiện theo quy định tại điểm 2.17 Điều này)
Như vậy trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.
3. Yếu tố để xác định chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN
Thứ nhất, Phải góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp
Thứ hai, phải có hợp đồng vay tiền
Thứ ba, Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khi vay, cho vay, trả nợ vay bằng các hình thức sau : thanh toán bằng séc, thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền, các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp với quy định của pháp luật theo điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BTC.
Thứ năm, Nếu vay của cá nhân, tổ chức… không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế thì lãi xuất không vượt quá 150 % mức lãi xuất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
Thứ sáu, Chứng từ khấu trừ thuế TNCN : 5 % nếu đi vay của cá nhân khi trả lãi tiền vay phải khấu trừ 5 % để nộp thuế TNCN theo khoản 3 điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC vì đây là khoản thu nhập từ đầu tư vốn.
Thứ bảy, Hóa đơn GTGT tiền lãi vay nếu đi vay của doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng khi trra tiền lãi vay thì phải yêu cầu công ty cho vay xuất hóa đơn.
Ngoài ra theo quy định của luật Doanh nghiệp 2014 quy định về thời hạn vốn góp : Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bao gồm cả công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên. Nếu đến hạn mà vẫn chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ.
Theo công văn số 4815/TCT-CS ngày 18/10/2016 và công văn 4975/TCT-CS ngày 26/10/2016 của Tổng cục thuế hướng dẫn : Khi doanh nghiệp cho vay, mượn tiền dù là tổ chức hoặc cá nhân mà không lấy lãi hoặc lãi xuất 0 % có thể sẽ bị cơ quan thuế ấn định thuế phải nộp. Vì đây là trao đổi không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường.
4. Giao dịch liên kết trong chi phí lãi vay
Căn cứ Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính Phủ
Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết quy định cách xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù:
“Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm.
Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”
Ngoài ra theo Công văn 3966/CT-TTHT, công văn 1990/CT-TTHT và công văn 208/CT-TTHT thì Cục thuế Hà Nội hướng dẫn:
Chi phí lãi vay được xác định là tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của Công ty (không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ các bên liên kết hay từ các bên độc lập).
Phần chi phí lãi vay đủ điều kiện được vốn hóa vào giá trị dự án đầu tư trong kỳ được trừ ra khỏi tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ khi xác định chi phí lãi vay được trừ để tính thu nhập chịu thuế TNDN.
Trường hợp có phát sinh khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn thì khi xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP thì không được bù trừ khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay với phần chi trả lãi vay phát sinh trong kỳ.
Trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA) nhỏ hơn 0 thì toàn bộ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp ích được cho các bạn phần nào trong công việc kế toán của mình!