Hướng dẫn định khoản bán hàng trong công ty, doanh nghiệp

Định khoản bán hàng: Theo chuẩn mực kế toán số 14 – Doanh thu và thu nhập khác thì bán hàng là: bán sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra và bán hàng hóa mua vào. Như vậy, bán hàng là nghiệp vụ kinh tế chủ yếu, thường xuyên của các doanh nghiệp. Đây là nghiệp vụ kinh tế chủ yếu tạo ra doanh thu góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Hãy cùng Kế toán Việt Hưng đi tìm hiểu cách định khoản bán hàng trong doanh nghiệp qua bài viết sau đây.

định khoản bán hàng
Hướng dẫn định khoản bán hàng trong công ty, doanh nghiệp

Có khá nhiều tài khoản liên quan đến nghiệp vụ bán hàng , tuy nhiên ờ bài viết này, người viết muốn nhấn mạnh đến 2 tài khoản chính cần lưu ý.

I – Tài khoản 131 – phải thu của khách hàng

Phải thu của khách hàng gồm các khoản phải thu mang tính chất thương mại phát sinh từ giao dịch có tính chất mua – bán, như: Phải thu về bán hàng, cung cấp dịch vụ, thanh lý, nhượng bán tài sản (TSCĐ, BĐSĐT, các khoản đầu tư tài chính) giữa doanh nghiệp và người mua (là đơn vị độc lập với người bán, gồm cả các khoản phải thu giữa công ty mẹ và công ty con, liên doanh, liên kết). Khoản phải thu này gồm cả các khoản phải thu về tiền bán hàng xuất khẩu của bên giao ủy thác thông qua bên nhận ủy thác

Không phản ánh vào tài khoản này các nghiệp vụ thu tiền ngay.

II. Tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

 – Trong đó:

+ Tài khoản 5111 – Doanh thu bán hàng hoá

+ Tài khoản 5112 – Doanh thu bán các thành phẩm

– Điều kiện ghi nhận doanh thu:

Doanh nghiệp chỉ ghi nhận doanh thu bán hàng khi đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:

+ Doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm, hàng hóa cho người mua;

+ Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;

+ Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn. Khi hợp đồng quy định người mua được quyền trả lại sản phẩm, hàng hoá, đã mua theo những điều kiện cụ thể, doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doanh thu khi những điều kiện cụ thể đó không còn tồn tại và người mua không được quyền trả lại sản phẩm, hàng hoá (trừ trường hợp khách hàng có quyền trả lại hàng hóa dưới hình thức đổi lại để lấy hàng hóa, dịch vụ khác);

+ Doanh nghiệp đã hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;

+ Xác định được các chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.

III. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

  1. Doanh thu của khối lượng sản phẩm (thành phẩm, bán thành phẩm), hàng hoá, dịch vụ đã được xác định là đã bán trong kỳ kế toán:

a) Bút toán ghi nhận doanh thu

– Đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, bất động sản đầu tư thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo giá bán chưa có thuế, các khoản thuế gián thu phải nộp (chi tiết từng loại thuế) được tách riêng ngay khi ghi nhận doanh thu (kể cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp), ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131,… (tổng giá thanh toán)

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

– Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp. Định kỳ kế toán xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:

Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

b) Bút toán ghi nhận giá vốn.

Nợ TK 632  Giá vốn hàng bán

Có các TK 155, 156

Ví dụ:

Doanh nghiệp A (nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ) bán 2 cái quạt điện cho công ty B với giá bán là 7.000.000 đồng/cái, (chưa bao gồm VAT 10%), giá vốn 6.000.000 đồng/cái. Công ty B trả luôn bằng tiền mặt

– Ghi nhận doanh thu khi đã thỏa mãn điều kiện

          Nợ TK 111: 15.400.000

          Có TK 511: 14.000.000

          Có TK 3331: 1.400.000

– Ghi nhận giá vốn.

          Nợ TK 632: 12.000.000

          Có TK 155: 12.000.000

  1. Khi bán hàng hoá theo phương thức trả chậm, trả góp:

a) Khi bán hàng trả chậm, trả góp, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng theo giá bán trả tiền ngay chưa có thuế, ghi :

Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng

Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá bán trả tiền ngay chưa có thuế)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3331, 3332).

Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (chênh lệch giữa tổng số tiền

theo giá bán trả chậm, trả góp với giá bán trả tiền ngay).

b) Bút toán ghi nhận giá vốn

Nợ TK 632  Giá vốn hàng bán

Có các TK 155, 156

c) Định kỳ, ghi nhận doanh thu tiền lãi bán hàng trả chậm, trả góp trong kỳ, ghi:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (lãi trả chậm, trả góp).

Ví dụ:

Công ty B kinh doanh xe tải, bán trả chậm trong vòng 5 tháng cho công ty C 1 chiếc xe tải, giá bán trả chậm chưa có thuế GTGT là 405.000.000 đồng (trong đó lãi trả chậm  là 5.000.000 đồng), giá vốn xe tải là 350.000.000 đồng.

– Ghi nhận doanh thu

Nợ TK 131: 445.000.000 (khách hàng C)

Có TK 511: 400.000.000

Có TK 3387:   5.000.000

Có TK 3331:  40.000.000

– Ghi nhận giá vốn.

Nợ TK 632: 350.000.000

Có TK 156: 350.000.000

– Hàng tháng xác định và kết chuyển tiền lãi bán hàng trả chậm.

Nợ TK 3387:1.000.000

Có TK 515: 1.000.000

  1. Trường hợp bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng

Kế toán ở đơn vị giao hàng đại lý:

– Khi xuất kho sản phẩm, hàng hoá giao cho các đại lý phải lập Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý. Căn cứ vào phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý, ghi:

Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán

Có các TK 155, 156.

– Khi hàng hoá giao cho đại lý đã bán được, căn cứ vào Bảng kê hoá đơn bán ra của hàng hoá đã bán do các bên nhận đại lý hưởng hoa hồng lập gửi về kế toán phản ánh doanh thu bán hàng theo giá bán chưa có thuế GTGT, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131,… (tổng giá thanh toán)

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

– Đồng thời phản ánh giá vốn của hàng bán ra, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 157 – Hàng gửi đi bán.

– Số tiền hoa hồng phải trả cho đơn vị nhận bán hàng đại lý hưởng hoa hồng, ghi:

Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (hoa hồng đại lý chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có các TK 111, 112, 131, …

Ví dụ:

Công ty C gửi cho đại lý bán đúng giá 100 cái túi xách với giá 1.000.000 đồng/cái,  chưa bao gốm VAT 10%, giá vốn 800.000 đồng/cái. Cuối tháng đại lý báo về bán được 70% số túi xách. Hoa hồng được hưởng là 5%. Sau khi giữ lại tiền hoa hồng được hưởng, đại lý đã chuyển khoản cho công ty C.

          Định khoản bán hàng tại đơn vị giao đại lý

          – Khi xuất kho giao cho đại lý

Nợ TK 157: 80.000.000

Có TK 156: 80.000.000

– Khi xác định số hàng bán được

+ Phản ánh doanh thu

Nợ TK 131: 77.000.000 (chi tiết tên đại lý)

Có TK 511: 70.000.000

Có TK 3331: 7.000.000

+ Phản ánh giá vốn-

Nợ TK 632: 56.000.000

Có TK 157: 56.000.000

– Hoa hồng đại lý phải trà

Nợ TK 641: 3.500.000

Nợ TK 1331:  350.000

Có TK 131:  3.850.000(chi tiết tên đại lý)

– Khi nhận được tiền hàng do đại lý thanh toán (đã trừ tiền hoa hồng phải trả)

Nợ TK 112: 73.150.000

Có TK 131: 73.150.000 (chi tiết tên đại lý)

Trên đây là hướng dẫn định khoản bán hàng theo các phương thức bán hàng chủ yếu, hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho nhà kế chúng ta.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

close

GIẢI ĐÁP MIỄN PHÍ 24/7

Kế toán, thuế, bảo hiểm, Doanh nghiệp...