Những khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động
Trong hoạt động kinh doanh của mình, doanh nghiệp luôn có những chi phí nhằm hỗ trợ khó khăn cho người lao động. Hoặc những hoạt động tập thể mang tính chất phúc lợi. Nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Bộ tài chính ban hành Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015. Sửa đổi bổ sung Thông tư 78/104/TT-BTC. Quy định những khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động được tính vào chi phí được trừ.
1. Những khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động được tính vào chi phí được trừ
1.1. Quy định về các khoản chi có tính chất phúc lợi
Tại khoản 2.30 Điểm 4 Thong-tu-96-2015-TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điểm 2.31 Khoản 2 Điều 6 Thông-tư-78-2014 quy định:
“Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác…
– Các khoản chi khác mang tính chất đặc thù, phù hợp theo từng ngành nghề, lĩnh vực theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.”
1.2. Những khoản chi có tính chất phúc lợi được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN gồm:
– Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động;
– Chi nghỉ mát, nghỉ lễ cho người lao động
– Chi hỗ trợ điều trị cho người lao động và gia đình người lao động
– Chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo cho người lao động
– Chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau;
– Chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập;
– Chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động
– Chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động. (Trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6. Bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này)
– Những khoản chi có tính chất phúc lợi khác.
2. Mức chi phúc lợi cho người lao động được tính vào chi phí được trừ
Điểm 4 Thông tư 96/2015/ TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điểm 2.31 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC. Quy định những khoản chi không được trừ. Có quy định về mức chi cho các khoản chi có tính chất phúc lợi như sau:
“….Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).”
3. Hồ sơ thủ tục để các khoản chi có tính chất phúc lợi được tính vào chi phí được trừ
3.1. Để được tính vào chi phí được trừ
Các khoản chi phúc lợi phải được quy định rõ ở một trong những văn bản sau:
– Hợp đồng lao động
– Thỏa ước lao động tập thể
– Quy chế tài chính, chi tiêu nội bộ
– Quy chế lương thưởng
3.2. Hồ sơ bao gồm:
+ Giấy đề nghị của người phụ trách bộ phận
+ Chứng từ kèm theo: Giấy ra viện, giấy kết hôn, giấy khen…
+ Phê duyệt của cấp có thẩm quyền
+ Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ (nếu có)