6 phương pháp tính giá thành sản phẩm gỗ – định mức sản xuất gỗ

Tại công ty sản xuất, giá thành sản phẩm là một trong những thông tin, chỉ tiêu quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Để doanh nghiệp có thể lựa chọn được phương pháp tính giá thành phù hợp, hãy cùng Kế Toán Việt Hưng đi tìm hiểu về định mức sản xuất gỗ và các phương pháp tính giá thành sản phẩm gỗ công ty sản xuất gỗ qua bài viết dưới đây.

Định mức sản xuất gỗ

– Đôi nét về định mức sản xuất gỗ

Định mức sản xuất gỗ được hiểu là quy định về mức chi phí cần thiết về nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thiết bị và các chi phí sản xuất liên quan để sản xuất ra một đơn vị khối lượng gỗ thành phẩm. Định mức này được xây dựng trong điều kiện doanh nghiệp hoạt động bình thường.

Định mức sản xuất gỗ được chính kỹ thuật sản xuất của công ty xây dựng phù hợp với hoạt động sản xuất của công ty dựa trên thống kê số liệu sản xuất hàng ngày. Bảng định mức sẽ bao gồm định mức nguyên vật liệu sản xuất gỗ, định mức nhân công và định mức sản xuất chung. Định mức sản xuất gỗ là căn cứ để tính giá thành sản xuất sản phẩm.

Định mức nguyên vật liệu sản xuất gỗ là chi phí gỗ nguyên vật liệu để sản xuất ra một thành phẩm gỗ xẻ.

Định mức nguyên vật liệu sản xuất gỗ = Định mức về khối lượng gỗ nguyên vật liệu * Đơn giá định mức gỗ nguyên vật liệu

Định mức nhân công sản xuất gỗ là chi phí nhân công trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất để sản xuất ra một thành phẩm gỗ xẻ.

Định mức sản xuất chung trong sản xuất gỗ là chi phí sản xuất chung để sản xuất ra một thành phẩm gỗ xẻ. Bao gồm chi phí khấu hao máy móc, thiết bị, chi phí điện nước, chi phí quản lý phân xưởng,… để sản xuất ra một thành phẩm gỗ xẻ.

– Hạch toán định mức sản xuất gỗ (theo thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính)

Hạch toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp sản xuất gỗ

Nợ TK 621: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp

         Có TK 152: Nguyên liệu, vật liệu

Cách xác định định mức sản xuất gỗ
Cách xác định định mức sản xuất gỗ

Hạch toán chi phí nhân công trực tiếp sản xuất gỗ 

Nợ TK 622: Chi phí nhân công trực tiếp

         Có TK: 3341: Phải trả người lao động

Hạch toán chi phí sản xuất chung sản xuất gỗ:

Nợ TK 627: Chi phí sản xuất chung

         Có TK 331, 242, 214,…

Kết chuyển chi phí sản xuất đối với sản xuất gỗ:

Nợ TK 154: Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang

         Có TK 621: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp

         Có TK 622: Chi phí nhân công trực tiếp

         Có TK 627: Chi phí sản xuất chung

Ví dụ: Tháng 09/2022, công ty A sản xuất gỗ Lim song tiện phát sinh chi phí như sau: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp trong định mức 40.000.000, chi phí nhân công trực tiếp trong định mức 30.000.000, chi phí sản xuất chung trong định mức 20.000.000. Hạch toán kết chuyển các chi phí trên.

Kết chuyển chi phí sản xuất gỗ Lim song tiện: 

Nợ TK 154: 90.000.000

         Có TK 621: 40.000.000

         Có TK 622: 30.000.000

         Có Tk 627: 20.000.000

Các phương pháp tính giá thành sản phẩm gỗ

Giá thành là tổng giá trị của toàn bộ chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để hoàn thành sản xuất sản phẩm, trong đó bao gồm chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và các chi phí sản xuất chung khác liên quan.

Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp là toàn bộ chi phí nguyên liệu, vật liệu sử dụng trực tiếp để sản xuất ra sản phẩm.

Chi phí nhân công trực tiếp là toàn bộ chi phí phải trả cho nhân công tham gia trực tiếp vào sản xuất ra sản phẩm.

Chi phí sản xuất chung là toàn bộ các chi phí phát sinh khác liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm như chi phí máy móc thiết bị, tiền điện, nước, chi phí cho quản lý phân xưởng,…

1. Tính giá thành theo phương pháp giản đơn

Phương pháp tính giá thành sản phẩm gỗ này căn cứ vào tổng chi phí sản xuất tập hợp được trong cả quá trình sản xuất kinh doanh ra sản phẩm và kết quả đánh giá sản phẩm dở dang để tính giá thành sản phẩm.

Phương pháp tính giá thành sản phẩm gỗ theo phương pháp giản đơn
Phương pháp tính giá thành sản phẩm gỗ theo phương pháp giản đơn

Công thức:

Giá thành sản xuất sản phẩm = Chi phí sản xuất dở dang đầu kỳ + Chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ – Chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ

Công thức tính giá thành đơn vị (giá thành của 1m3 gỗ):

Giá thành đơn vị = Tổng giá thành sản phẩm / Số lượng sản phẩm hoàn thành

Ví dụ cho phương pháp tính giá thành sản phẩm gỗ: (ĐVT: đồng) Công ty A sản xuất sản phẩm gỗ Lim ván sàn. Chi phí để sản xuất ra 5m3 sản phẩm gỗ Lim ván sàn trong tháng 2 bao gồm: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp 12.000.000, chi phí nhân công trực tiếp 10.000.000, chi phí sản xuất chung 15.000.000. Sản phẩm không có chi phí sản xuất dở dang đầu kỳ và chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ là 2.000.000. Tính giá thành sản xuất sản phẩm và giá thành đơn vị.

Tổng chi phí sản xuất 5m3 gỗ Lim ván sàn phát sinh trong kỳ = Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp + Chi phí nhân công trực tiếp + Chi phí sản xuất chung = 12.000.000 + 10.000.000 + 15.000.000 = 37.000.000

Giá thành sản xuất ra 5m3 gỗ Lim ván sàn = Chi phí sản xuất dở dang đầu kỳ + Chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ – Chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ = 0 + 37.000.000 – 2.000.000 = 35.000.000 

Giá thành đơn vị 1m3 gỗ Lim ván sàn = 35.000.000/5 = 7.000.000

2. Phương pháp tính giá thành sản phẩm gỗ theo phương pháp hệ số

Phương pháp này căn cứ vào tổng chi phí tập hợp của tất cả các loại sản phẩm, số lượng của tất cả các loại sản phẩm và hệ số quy đổi của từng loại sản phẩm để tính giá thành sản phẩm.

Công thức:

Giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn = Tổng giá thành của tất cả các loại sản phẩm / Tổng số sản phẩm tiêu chuẩn

Số sản phẩm tiêu chuẩn = Số sản phẩm từng loại gỗ * Hệ số quy đổi từng loại

(Hệ số quy đổi sản phẩm a = Giá thành định mức sản phẩm a / Giá thành định mức nhỏ nhất của một loại sản phẩm trong nhóm)

Tổng giá thành sản xuất sản phẩm = Số lượng sản phẩm tiêu chuẩn của từng loại * giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn

Ví dụ: (ĐVT: đồng) Công ty A sản xuất 2 loại sản phẩm là gỗ Lim ván sàn và gỗ Lim song tiện trên cùng 1 quy trình sản xuất, cùng loại vật tư, lao động, có kết cấu giá thành có thể quy đổi được với nhau.

Tháng 9 năm 2022 doanh nghiệp có tính hình sản xuất như sau: hoàn thành nhập kho 140m3 gỗ Lim ván sàn, 300m3 gỗ Lim song tiện, chi phí sản xuất dở dang đầu kỳ 370.000.000, chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ 4.407.000.000, chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ 677.000.000, giá thành định mức sản phẩm gỗ Lim ván sàn 8.400.000/m3, giá thành định mức sản phẩm gỗ Lim song tiện 10.080.000/m3. Tính giá thành sản phẩm.

Hệ số quy đổi gỗ Lim ván sàn = 8.400.000/8.400.000 = 1

Hệ số quy đổi gỗ Lim song tiện = 10.080.000/8.400.000 = 1,2

Số gỗ Lim ván sàn quy đổi theo sản phẩm tiêu chuẩn = 140*1 = 140m3

Số gỗ Lim song tiện quy đổi theo sản phẩm tiêu chuẩn = 300*1,2 = 360m3

Tổng số sản phẩm tiêu chuẩn = 140 + 360 = 500m3

Tổng giá thành thực tế của 2 sản phẩm = 370.000.000 + 4.407.000.000 – 677.000.000  = 4.100.000.000

Giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn = 4.100.000.000/500 = 8.200.000

Giá thành gỗ Lim ván sàn = 8.200.000*140 = 1.148.000.000

Giá thành gỗ Lim song tiện = 8.200.000*360 = 2.952.000.000

3. Tính giá thành theo phương pháp định mức

Doanh nghiệp xây dựng định mức dựa trên thực tế sản xuất của doanh nghiệp hoặc sử dụng định mức quy định theo quy định của nhà nước. Phương pháp tính giá thành sản phẩm gỗ này căn cứ vào giá thành kế hoạch (giá thành định mức) và tổng giá thành thực tế sản xuất sản phẩm để tính giá thành sản phẩm.

Công thức:

Tổng giá thành kế hoạch = Số sản phẩm tiêu chuẩn * Giá đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn

Tỷ lệ chi phí (%) = (Tổng giá thành sản xuất thực tế của các loại sản phẩm/Tổng giá thành kế hoạch của các loại sản phẩm) * 100(%)

Giá thành thực tế sản phẩm = Giá thành kế hoạch * Tỷ lệ chi phí

Ví dụ: (ĐVT: đồng) Công ty A sản xuất gỗ Lim ván sàn và gỗ Lim song tiện có phát sinh sau đây. Tổng giá thành sản xuất thực tế của 2 sản phẩm là 2.400.000.000, giá thành kế hoạch của gỗ Lim ván sàn là 6.000.000, giá thành kế hoạch của gỗ Lim song tiện = 8.000.000, khối lượng sản phẩm nhập kho gỗ Lim ván sàn là 100m3, gỗ Lim song tiện là 200m3. Tính giá thành

Tổng giá thành kế hoạch = 100*6.000.000 + 200*8.000.000 = 2.200.000.000

Tỷ lệ chi phí = (2.400.000.000/2.200.000.000)*100% = 109%

Giá thành thực tế gỗ Lim ván sàn = 6.000.000 * 109% = 6.540.000

Giá thành thực tế gỗ Lim song tiện = 8.000.000 * 109% = 8.720.000

4. Tính giá thành theo phương pháp phân bước

Cách tính giá thành theo phương pháp phân bước
Cách tính giá thành theo phương pháp phân bước

Với phương pháp tính giá thành sản phẩm gỗ này, giá thành sản phẩm được tính dựa trên tổng hợp giá thành sản xuất của các giai đoạn sản xuất để tạo ra thành phẩm cuối cùng. Doanh nghiệp sản xuất theo nhiều giai đoạn, nhiều công đoạn sẽ áp dụng phương pháp này.

Công thức:

Giá thành sản phẩm sản xuất trong kỳ =  Giá thành sản phẩm sản xuất giai đoạn 1 + Giá thành sản phẩm sản xuất giai đoạn 1 + … + Giá thành sản phẩm sản xuất giai đoạn n

Ví dụ: (ĐVT: đồng) Công ty A sản xuất 10m3 gỗ Lim ván sàn qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 giá thành sản phẩm là 40.000.000, giai đoạn 2 giá thành là 25.000.000. Tính giá thành

Giá thành gỗ Lim ván sàn = 40.000.000 + 25.000.000 = 65.000.000

Giá thành đơn vị gỗ Lim ván sàn = 65.000.000/10 = 6.5000.000

5. Phương pháp tính giá thành sản phẩm gỗ theo đơn đặt hàng

Phương pháp này tính giá thành sản phẩm theo từng đơn đặt hàng, căn cứ vào tổng chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất ra đơn đặt hàng để tính giá thành.

Công thức:

Giá thành của từng đơn đặt hàng = Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp + Chi phí nhân công trực tiếp + Chi phí sản xuất chung (Toàn bộ chi phí tính từ lúc phát sinh đơn đặt hàng cho đến lúc kết thúc đơn đặt hàng)

Ví dụ: (ĐVT: đồng) Công ty A có đơn đặt hàng 1 container gỗ Lim ván sàn 10m3 trong đó chi phí sản xuất đơn đặt hàng đó bao gồm: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp 30.000.000, chi phí nhân công trực tiếp 20.000.000, chi phí sản xuất chung 10.000.000.

Giá thành gỗ Lim ván sàn = 30.000.000 + 20.000.000 + 10.000.000 = 60.000.000

Giá thành đơn vị gỗ Lim ván sàn = 60.000.000/10 = 6.000.0000

6. Tính giá thành theo phương pháp loại trừ sản phẩm phụ

Phương pháp này căn cứ vào tổng chi phí phát sinh trong kỳ, giá trị sản phẩm dở dang và giá trị sản phẩm phụ để tính giá thành. Doanh nghiệp sử dụng phương pháp này trong quá trình sản xuất ngoài tạo ra sản phẩm chính còn tạo ra sản phẩm phụ.

Công thức:

Tổng giá thành sản phẩm chính = Giá trị sản phẩm chính dở dang đầu kỳ + Tổng chi phí phát sinh trong kỳ – Giá trị sản phẩm phụ thu hồi ước tính – Giá trị sản phẩm chính dở dang cuối kỳ

Ví dụ: (ĐVT: đồng) Tháng 09/2022 công ty A sản xuất 10m3 gỗ Lim ván sàn trong đó: tổng chi phí phát sinh trong kỳ 80.000.000, giá trị sản phẩm dở dang đầu kỳ 10.000.000, giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ 15.000.000, giá trị sản phẩm phụ 5.000.000. Tính giá thành.

Giá thành gỗ Lim ván sàn = 10.000.000 + 80.000.000 – 5.000.000 – 15.000.000 = 70.000.000

Giá thành đơn vị gỗ Lim ván sàn = 70.000.000/10 = 7.000.0000

Mỗi một doanh nghiệp có một quy trình sản xuất riêng. Mỗi một phương pháp tính giá thành phù hợp với những đặc điểm, quá trình sản xuất kinh doanh riêng của từng doanh nghiệp. Giá thành sản phẩm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp phải lựa chọn cho mình một phương pháp tính giá thành phù hợp. 

Trên đây, Kế toán Việt Hưng đã giới thiệu cho bạn về định mức sản xuất gỗ và các phương pháp tính giá thành sản phẩm gỗ. Hy vọng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn lựa chọn cho doanh nghiệp mình một cách tính giá thành phù hợp. Mọi câu hỏi liên quan vui lòng để lại trong nhóm Cộng Đồng Làm Kế Toán để nhận giải đáp từ đội ngũ giáo viên của chúng tôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

close

GIẢI ĐÁP MIỄN PHÍ 24/7

Kế toán, thuế, bảo hiểm, Doanh nghiệp...