Hiện nay lĩnh vực đào tạo nói chung hay đào tạo kế toán nói riêng đã có rất nhiều thay đổi. Trước đó xuất phát từ nhu cầu đổi mới đào tạo kế toán – tài chính cũng như để đáp ứng yêu cầu hội nhập, khoa Kế toán Trường Đại học Lao động – Xã hội đã tổ chức buổi Hội thảo: “ Đổi mới Đào tạo kế toán – tài chính đáp ứng yêu cầu hội nhập”. Tiếp theo đây chúng tôi xin gửi đến các bạn toàn văn buổi trao đổi với PGS.TS Chúc Anh Tú – Giảng viên Học viện Tài chính về “xây dựng chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán đáp ứng yêu cầu thực tiễn”
Thưa ông, trong một số bài viết về chuyên môn gần đây ông có đề xuất định hướng và giải pháp xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán. Xin ông cho biết đề xuất trên xuất phát từ cơ sở nào?
– Đề xuất của tôi xuất phát từ ba lý do cơ bản là: yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên việc cung cấp thông tin kế toán tài chính phải đảm bảo tính pháp quy được quốc tế thừa nhận rộng rãi; do sự đa dạng hóa của các loại hình đạo tạo giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán; do chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đã được Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, Luật Giáo dục (có hiệu lực từ đầu năm 2013) đã ban hành quy định về khối lượng kiến thức và mục tiêu của các bậc học trình độ trung cấp – cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học; tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo. Hơn nữa, xuất phát từ việc các cơ sở đào tạo có mở chuyên ngành kế toán, kiểm toán đã và đang thực hiện đào tạo “liên thông, chuyển tiếp” giữa các hệ trung cấp lên cao đẳng, đại học; thạc sĩ, tiến sĩ… Điều này đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan, như xây dựng theo định hướng như thế nào về khung chương trình đào tạo, về nội dung các môn học để đảm bảo được tính “kế thừa, nâng cao ở từng cấp học mà vẫn không trùng lặp” giữa các cơ sở đào tạo, hay trong nội bộ từng cơ sở đào tạo và vẫn đáp ứng được yêu cầu quản lý của Nhà nước… Bên cạnh đó, cũng phải hướng đến sự công nhận lẫn nhau trong quá trình đào tạo và thi các loại chứng chỉ kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Ông có thể cho biết những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng chương trình, nội dung và giải pháp đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán mà ông đã đề xuất?
– Theo tôi, xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán phải đảm bảo một số nguyên tắc. Trước hết là phải tuân thủ các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và của các cơ quan chủ quản. Chương trình được xây dựng phải phát huy được tính chủ động của các cơ sở đào tạo kế toán với những lợi thế cạnh tranh nhất định đối với từng ngành, chuyên ngành. Đồng thời, phải đảm bảo tính liên kết, kế thừa và nâng cao dần giữa các cấp học trong từng cơ sở đào tạo, cũng như giữa các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, cần đảm bảo yêu cầu hội nhập và giao thoa về chất lượng với chương trình của các trường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, nhằm hướng đến sự thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ sở đào tạo về chuyên môn và bằng cấp, chứng chỉ và xa hơn nữa là yêu cầu nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán phải được khu vực và quốc tế thừa nhận.
Các giải pháp đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán trong đề xuất của ông có những điểm đổi mới gì, thưa ông?
– Theo tôi, cần thực hiện 5 giải pháp cơ bản. Thứ nhất, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra gắn với các chuyên ngành kế toán, kiểm toán; ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Thứ hai, điều chỉnh chương trình và tên các môn học gắn với yêu cầu, nội dung cơ bản các môn học. Thứ ba, giáo trình, tài liệu phải cập nhật các quy định hiện hành và tiến đến có sự đồng nhất giữa các cơ sở đào tạo, từng bước có lồng ghép các chương trình tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Thứ tư, triển khai đào tạo theo mô hình “chất lượng cao” được quốc tế thừa nhận bằng cách “nhập khẩu” các chương trình tiên tiến với sự kiểm duyệt chặt chẽ của cơ quan chức năng có tính đến nguồn lực đào tạo. Thứ năm, nâng cao các kỹ năng thực hành, cũng như thực hiện đánh giá người học đảm bảo các yêu cầu kiến thức chuyên môn – kỹ năng thực hành thực tế, đạo đức nghề nghiệp và phương pháp làm việc.
Theo đó, đối với chuyên ngành kế toán, kiểm toán nên xây dựng các bậc nội dung (Modul) kiến thức cơ bản như nguyên lý kế toán, đại cương về kiểm toán, pháp luật kế toán, pháp luật kiểm toán, pháp luật kinh tế đại cương… Modul kiến thức cơ bản là tiền đề, là nền tảng trang bị cho người học các kiến thức chung để người học tiếp tục học các Modul chuyên ngành. Hơn nữa, Modul này sẽ và nên được thừa nhận rộng rãi đối với các cấp học ở các cơ sở đào tạo cũng như trong quá trình thi các chứng chỉ kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Các Modul kiến thức chuyên ngành về kế toán như kế toán tài chính 1 – kế toán các yếu tố đầu vào và kế toán quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; kế toán tài chính 2 – kế toán trong các mô hình tập đoàn kinh tế; kế toán tài chính 3 – đặc điểm kế toán các loại hình và điều chỉnh, sửa chữa sai sót; tổ chức công tác kế toán và thực hành kế toán; kế toán công…; các Modul kiểm toán chuyên ngành như kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản, kiểm toán quyết toán NSNN, kiểm toán môi trường, kiểm toán năng lượng…
Tôi cho rằng môn học nguyên lý kế toán cần được quy định là môn học nền tảng trước khi đi vào các môn học chuyên ngành kế toán, kiểm toán tiếp theo. Các môn học khác cũng nên xây dựng chương trình, nội dung và điều kiện áp dụng tương tự. Trong đó, chúng ta có thể coi kiến thức về mỗi ngành học giống như một hình tháp, nên chia thành từng Modul tương ứng với từng cấp học, từng loại chứng chỉ kế toán, kiểm toán để đảm bảo các cấp đào tạo sau kế thừa các cấp đào tạo trước, thừa nhận, giao thoa lẫn nhau theo kết quả đào tạo đối với các cấp học cũng như trong khi thi cấp các loại chứng chỉ kế toán, kiểm toán. Cách làm như vậy vừa không trùng lặp nội dung đào tạo, vừa có tính kế thừa phát triển, chuyên sâu hơn, cũng như đáp ứng được yêu cầu hội nhập về chương trình nội dung và về kiến thức.
Nếu không phân định rõ ràng nội dung và thời lượng của từng môn học ở mỗi cấp học có thể sẽ dẫn tới lãng phí thời gian, kinh phí và ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả của cả quá trình đào tạo hay việc thi cấp chứng chỉ kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Để xây dựng và triển khai được chương trình đào tạo như vậy, theo ông cần phải đảm bảo được những điều kiện gì?
– Tôi cho rằng trước hết cần có sự bàn bạc giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, KTNN, Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, của các cơ quan quản lý Nhà nước và của các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán để hướng đến việc xây dựng và thống nhất về chương trình khung cũng như nội dung cơ bản của các môn học cho phù hợp với từng cấp học, từng loại chứng chỉ kế toán, kiểm toán viên Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Theo: www.sav.gov.vn