Hỏi đáp về kế toán hành chính sự nghiệp dự án

Câu hỏi:

Tôi công tác tại Ban QLDA khu vực, đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Xin hỏi, đơn vị có nguồn thu từ hoạt động tư vấn giám sát và lựa chọn nhà thầu cho các dự án không được giao quản lý (thực hiện theo hợp đồng), thực hiện nộp thuế GTGT và TNDN theo phương pháp trực tiếp, có được sử dụng nguồn thu này cho các khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động hay không, cụ thể hơn đối với chi phí thuốc men phòng dịch bệnh COVID-19?

==> Trả lời:
Trường hợp độc giả công tác tại Ban QLDA thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo 100% chi thường xuyên thực hiện theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì việc chi phúc lợi cho người lao động được thực hiện theo các quy định như sau:

“Điều 11. Nguồn tài chính của đơn vị

1. Nguồn ngân sách nhà nước

2. Nguồn thu hoạt động sự nghiệp

a) Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;

b) Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

c) Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

5. Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 12. Chi thường xuyên giao tự chủ

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương

2. Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

3. Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý

4. Chi thực hiện công việc, dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; chi thực hiện các hoạt động dịch vụ.

5. Trích lập các khoản dự phòng theo quy định đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định thành lập các quỹ đặc thù để xử lý rủi ro (nếu có).

6. Chi trả lãi tiền vay theo quy định của pháp luật (nếu có).

7. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 14. Phân phối kết quả tài chính trong năm:

1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo thứ tự như sau:

c) Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi: Tổng hai quỹ tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

2. Sử dụng các quỹ

d) Quỹ phúc lợi: Để xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi của đơn vị; góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của người lao động trong đơn vị; trợ cấp khó khăn đột xuất cho người lao động, kể cả trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức, hoàn cảnh khó khăn; chi thêm cho người lao động thực hiện tinh giản biên chế; chi hỗ trợ hoạt động xã hội, từ thiện;”

Câu hỏi:

Kính gửi Bộ Tài chính! Tôi đang công tác tại phòng Tổ chức của một Sở, tôi đang có một vướng mắc cần Bộ Tài chính giải đáp Theo Thông tư số 58/2016/TT-BTC có quy định các hình thức mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước đều phải thông qua hình thức đấu thầu, trong đó có nội dung: “Dịch vụ phi tư vấn bao gồm: Thuê các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển; sửa chữa thường xuyên nhỏ, lẻ nhà cửa, công trình xây dựng không thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ bản; dịch vụ thuê trụ sở làm việc, nhà trạm, ô tô phục vụ công tác, vệ sinh công nghiệp; dịch vụ xử lý chất thải; dịch vụ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh; dịch vụ thuê đường truyền dẫn; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ thẩm định giá (nếu có); dịch vụ cung cấp điện, nước, điện thoại cố định; dịch vụ đào tạo, tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các dịch vụ phi tư vấn khác”. Như vậy, theo quy định này, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức có phải thực hiện đấu thầu hay không?. Rất mong được sự trả lời của Bộ Tài chính

==> Trả lời:

Theo quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016, khi sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên quy định khoản 2 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC để tổ chức dịch vụ đào tạo, tập huấn thì việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC và quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu theo quy định.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 và điểm b, điểm c khoản 2 Điều 12 (trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu) quy định:

1. Trách nhiệm trình duyệt:

Bên mời thầu có trách nhiệm trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu…

2. Văn bản trình duyệt gồm:

b) Phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Thông tư này;

c) Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm nội dung công việc và giá trị tương ứng hình thành các gói thầu được thực hiện theo một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Thông tư này…

Vì vậy, đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện theo các quy định hiện hành.

Câu hỏi:

Hiện nay tôi đang làm kê toán Ban Giải phóng mặt bằng _là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo 100% chi phí hoạt động, là cơ quan thường trực giúp việc cho các Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và UBND thành phố thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hải Dương. Ban GPMB thành phố đang căn cứ thực hiện theo Nghị Định 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lình vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác và Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính quy định về việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện công tác GPMB. Tôi muốn hỏi Bộ Tài chính, Ban của tôi ngoài việc được chi các khoản chi thường xuyên và chi các nội dung theo hướng dẫn của Thông tư 74 thì hàng năm, sau khi hạch toán đầy dủ các chi phí theo quy định thì phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên đơn vị có được sử dụng để trích lập các quỹ theo hướng dẫn của Nghị định 141 hay không?

==> Trả lời:

Tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác quy định về 4 nhóm đơn vị sự nghiệp công lập: (1) Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (2) Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên; (3) Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; (4) Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Tuy nhiên, theo thông tin của độc giả cung cấp: đơn vị độc giả đang công tác là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo 100% chi phí hoạt động phân loại chưa đúng với 1 trong 4 loại hình tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập được phân loại theo quy định. Do đó, đề nghị Độc giả nghiên cứu quy định tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP để xác định mức độ tự chủ đơn vị SNCL theo đúng quy định tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP.

Trường hợp, căn cứ quy định tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP đơn vị được phân loại là đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên, về trích lập các qũy được thực hiện theo các quy định:

1. Tại Điều 3,4,5 Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định về nguồn, nội dung chi và mức chi đảm bảo tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất.

2. Tại 12, Điều 13 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP quy định tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo quy định ; trong đó:

a) Về nguồn tài chính và sử dụng nguồn tài chính được quy định tại Khoản 1,2 Điều 13; trong đó quy định rõ nguồn tài chính được giao tự chủ để chi thường xuyên và chênh lệch thu-chi được trích lập các quỹ theo quy định.

b) Việc phân phối kết quả tài chính trong năm (trong đó có trích lập các quỹ thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12;

Tại khoản 3 Điều 12, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP quy định về phân phối tài chính trong năm: “Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau:

– Trích tối thiểu 25% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;

– Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập: Đơn vị được tự quyết định mức trích Quỹ bổ sung thu nhập (không khống chế mức trích);

– Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công bình quân thực hiện trong năm của đơn vị;

– Trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật;

– Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *