Trong kinh doanh buôn bán, việc xảy ra trường hợp hàng hóa kém chất lượng, phẩm chất không tốt hay quy cách bị sai do một số nguyên nhân là không tránh khỏi. Người bán thường lựa chọn giảm giá hàng bán sản phẩm, hàng hóa của mình để là phương án xử lý đem lại lợi ích và sự hài lòng cho cả người bán và người mua. Sau đây Kế Toán Việt Hưng xin giới thiệu với các bạn về cách hạch toán giảm giá hàng bán theo Thông tư 200 và Thông tư 133.
1. Giảm giá hàng bán là gì?
Giảm giá hàng bán là khoản giảm trừ giá bán cho người mua do sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, mất phẩm chất, không đúng quy cách hay lạc hậu với thị hiếu theo quy định trong hợp đồng đã ký kết.
Giảm giá hàng bán là một khoản giảm trừ doanh thu của doanh nghiệp.
2. Cách hạch toán giảm giá hàng bán theo Thông tư 200
● Nguyên tắc kế toán
Bên bán hàng thực hiện kế toán giảm giá hàng bán theo những nguyên tắc sau:
Trường hợp hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng đã thể hiện khoản giảm giá hàng bán cho người mua, là khoản đã giảm trừ vào số tiền mà người mua phải thanh toán, giá bán trên hóa đơn là giá đã giảm thì doanh nghiệp không sử dụng tài khoản này. Doanh thu bán hàng ghi nhận theo giá bán đã giảm.
Bên bán phản ánh vào tài khoản 5213 các khoản giảm giá hàng bán khi việc chấp nhận giảm giá hàng bán xảy ra sau khi đã bán hàng, tức là đã ghi nhận doanh thu và đã xuất hóa đơn do hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ kém.
● Tài khoản sử dụng
Doanh nghiệp hạch toán kế toán theo Thông tư 200 sử dụng tài khoản 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (Chi tiết tài khoản 5213 – Giảm giá hàng bán) để hạch toán giảm giá hàng bán. Tài khoản này dùng để phản ánh khoản giảm giá hàng bán cho người mua do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người mua kém chất lượng, sai quy cách nhưng chưa được phản ánh trên hóa đơn khi bán sản phẩm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
● Kết cấu tài khoản
Bên nợ: Số giảm giá hàng bán đã chấp thuận giảm cho người mua hàng.
Bên có: Cuối kỳ kế toán, kết chuyển toàn bộ số giảm giá hàng bán sang tài khoản 511 (Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ) để xác định doanh thu thuần của kỳ kế toán.
Tài khoản 521 không có số dư cuối kỳ.
● Cách hạch toán giảm giá hàng bán
Bên bán:
Trường hợp sản phẩm, hàng hóa giảm giá cho người mua trong khi bán hàng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, và doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi:
Nợ TK 111, 112, 131,…
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Doanh thu ghi nhận theo giá đã giảm)
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp
Trường hợp sản phẩm, hàng hoá giảm giá cho người mua trong khi bán hàng không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp thì khoản giảm giá hàng bán cho người mua, ghi:
Nợ TK 111, 112, 131,…
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Doanh thu ghi nhận theo giá đã giảm)
Trường hợp sản phẩm, hàng hoá đã bán phải giảm giá cho người mua thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, và doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi:
Nợ TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5213)
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra được giảm)
Có các TK 111, 112, 131,…
Trường hợp sản phẩm, hàng hoá đã bán phải giảm giá cho người mua không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp thì khoản giảm giá hàng bán cho người mua, ghi:
Nợ TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5213)
Có các TK 111, 112, 131,…
Bên mua:
Trường hợp sản phẩm, hàng hóa mua về được giảm giá thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, và doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi:
– Trong khi mua hàng, giá trên hóa đơn là giá đã giảm:
Nợ TK 156, 152, 153,… (Giá trị đã được giảm giá)
Nợ TK 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 111, 112, 331,…
– Sau khi đã mua hàng:
Nợ TK 111, 112, 331,…
Có TK 156, 152, 153,…
Có TK 1331 – Thuế GTGT phải nộp
Trường hợp sản phẩm, hàng hóa mua về được giảm giá không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp thì khoản giảm giá hàng bán cho người mua, ghi:
– Trong khi mua hàng, giá trên hóa đơn là giá đã giảm:
Nợ TK 156, 152, 153,… (Giá trị đã được giảm giá)
Có các TK 111, 112, 331,…
– Sau khi đã mua hàng:
Nợ TK 111, 112, 331,…
Có TK 156, 152, 153,…
Ví dụ 1: (đvt: đồng) Tháng 10/2022 có những nghiệp vụ kinh tế phát sinh sau:
Ngày 12/10/2022 công ty A bán cho công ty B 1 container gỗ Lim hộp khối lượng 21,4m3, giá bán 21.000.000/m3, chưa thanh toán.
Ngày 15/10/2022 công ty A giảm giá container gỗ Lim hộp cho công ty B do có một số hộp gỗ bị xấu, giá sau khi giảm là 20.800.000/m3.
Ngày 16/10/2022 công ty A bán cho công ty B 1 container gỗ Gõ ván sàn khối lượng 19,5m3, giá bán 26.000.000/m3 là giá bán niêm yết, do có một số thanh gỗ bị cong nên công ty A đã bán container gỗ này cho công ty B với giá 25.900.000/m3, đã thanh toán bằng chuyển khoản.
Hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Biết đơn giá vốn của gỗ Lim hộp là 19.000.000/m3, đơn giá vốn của gỗ Gõ ván sàn là 24.500.000.m3, đơn giá bán nêu trên là đơn giá bán chưa bao gồm thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT là 10%, công ty B mua gỗ về để làm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
– Tại công ty A:
Ngày 12/10/2022: Ghi nhận giá vốn và doanh thu gỗ Lim hộp
Nợ TK 632: 406.000.000
Có TK 156: 406.000.000
Nợ TK 131: 494.340.000
Có TK 511: 449.400.000
Có TK 3331:44.940.000
Ngày 15/10/2022: Ghi nhận giảm giá hàng bán gỗ Lim hộp
Nợ TK 521: 4.280.000
Nợ TK 3331: 428.000
Có TK 131: 4.708.000
Ngày 16/10/2022: Ghi nhận giá vốn và doanh thu gỗ Gõ ván sàn
Nợ TK 632: 477.750.000
Có TK 156: 477.750.000
Nợ TK 112: 555.555.000
Có TK 511: 505.050.000
Có TK 3331: 50.505.000
– Tại công ty B:
Ngày 12/10/2022: Nhập kho nguyên vật liệu
Nợ TK 152: 449.400.000
Nợ TK 1331: 44.940.000
Có TK 331: 494.340.000
Ngày 15/10/2022: Ghi nhận khoản giảm giá được hưởng
Nợ TK 331: 4.708.000
Có TK 152: 4.280.000
Có TK 1331: 428.000
Ngày 16/10/2022: Nhập kho nguyên vật liệu
Nợ TK 152: 505.050.000
Nợ TK 1331: 50.505.000
Có TK 112: 555.555.000
3. Cách hạch toán giảm giá hàng bán theo thông tư 133
● Nguyên tắc kế toán
Khi phát sinh khoản giảm giá hàng bán kế toán hạch toán khoản giảm giá hàng bán vào tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
● Tài khoản sử dụng
Thông tư 133 không có tài khoản giảm trừ doanh thu như Thông tư 200 nên khi phát sinh khoản giảm giá hàng bán kế toán hạch toán khoản giảm trừ vào tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
● Kết cấu tài khoản
Bên nợ: Các khoản giảm trừ doanh thu trong đó có Giảm giá hàng bán cho người mua.
Bên có: Doanh thu bán sản phẩm, hàng hoá, bất động sản đầu tư và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp thực hiện trong kỳ kế toán.
Tài khoản 511 không có số dư cuối kỳ.
● Cách hạch toán giảm giá hàng bán
Bên bán:
Trường hợp sản phẩm, hàng hoá giảm giá cho người mua thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, và doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra được giảm)
Có các TK 111, 112,131,…
Trường hợp sản phẩm, hàng hoá giảm giá cho người mua không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp thì khoản giảm giá hàng bán cho người mua, ghi:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có các TK 111, 112, 131,…
Ví dụ:
Bên mua:
Hạch toán giống Thông tư 200
Ví dụ: Sử dụng để bài của ví dụ 1 hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo thông tư 133
– Tại công ty A:
Ngày 12/10/2022: Ghi nhận giá vốn và doanh thu gỗ Lim hộp
Nợ TK 632: 406.000.000
Có TK 156: 406.000.000
Nợ TK 131: 494.340.000
Có TK 511: 449.400.000
Có TK 3331:44.940.000
Ngày 15/10/2022: Ghi nhận giảm giá hàng bán gỗ Lim hộp
Nợ TK 511: 4.280.000
Nợ TK 3331: 428.000
Có TK 131: 4.708.000
Ngày 16/10/2022: Ghi nhận giá vốn và doanh thu gỗ Gõ ván sàn
Nợ TK 632: 477.750.000
Có TK 156: 477.750.000
Nợ TK 112: 555.555.000
Có TK 511: 505.050.000
Có TK 3331: 50.505.000
– Tại công ty B:
Ngày 12/10/2022: Nhập kho nguyên vật liệu
Nợ TK 152: 449.400.000
Nợ TK 1331: 44.940.000
Có TK 331: 494.340.000
Ngày 15/10/2022: Ghi nhận khoản giảm giá được hưởng
Nợ TK 331: 4.708.000
Có TK 152: 4.280.000
Có TK 1331: 428.000
Ngày 16/10/2022: Nhập kho nguyên vật liệu
Nợ TK 152: 505.050.000
Nợ TK 1331: 50.505.000
Có TK 112: 555.555.000
Trên đây Kế toán Việt Hưng đã giới thiệu với các bạn cách hạch toán giảm giá hàng bán theo Thông tư 200 và Thông tư 133. Hy vọng những thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong công việc và học tập. Mọi vấn đề liên quan đến nghiệp vụ kế toán và phát sinh thực tế, mời bạn đặt câu hỏi trong Cộng Đồng Làm Kế Toán để nhận câu trả lời chính xác và nhanh chóng nhất.