Các khoản phụ cấp không tính thuế thu nhập cá nhân

Thuế TNCN là vấn đề được rất nhiều người chú ý quan tâm, các khoản được trừ, không được trừ khi tính thuế TNCN còn có rất nhiều tranh cãi. Trong bài viết này, lamketoan sẽ phân tích những khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công chúng ta hay gặp rắc rối, gây nhiều tranh cãi hiểu nhầm. Nếu các bạn không hiểu kỹ, hiểu sâu, các bạn sẽ làm sai dữ liệu

mien thue tncn

=> Đầu tiên: Khoán chi văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe, công tác phí, trang phục

– Theo tiết đ.4 điểm đ khoản 2 điều 2 thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
……
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công 
…..
đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:
….
đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau: 
đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
đ.4.3) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.’’

Chúng ta cần tìm hiểu mức khoán chi này là bao nhiêu, và áp dụng theo những văn bản nào?
Theo trên, mức khoán chi áp dụng theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cụ thể như sau:

1. Khoán chi văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe

Khoản 1 Điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC quy định:
“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
………”
Và căn cứ vào điểm 2.6 khoản 2 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC
“2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
…..
b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
…..”
Như vậy:  Khoán chi VPP, điện thoại, xăng xe theo quy định của Doanh nghiệp và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không bị khống chế mức chi (được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.)

2. Khoán chi công tác phí

Điểm 2.9 khoản 2 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC quy định:
“2.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động. 
Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp. 
….”
==>  Khoán chi công tác phí phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và theo quy định của Doanh nghiệp, không bị khống chế mức chi (Chi theo quy chế tài chính, hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp)
Trước đây, theo thông tư 78/2014/TT-BTC khoán chi công tác phí bị khống chế (bằng với mức khoán chi của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước)

3. Khoán chi trang phục

Điểm 2.7 khoản 2 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC quy định:
“2.7. Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, chứng từ. Phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.
…”
==> Khoán chi trang phục phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và theo quy định của Doanh nghiệp, nhưng không vượt quá 5tr/người/năm thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động

TÓM LẠI

Thứ nhất

– Khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, xăng xe nếu chi theo đúng quy định của Doanh nghiệp và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động. Phần chi vượt quá tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động
– Khoán chi trang phục phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, và không vượt quá 5tr/người/năm. Nếu chi vượt, phần chi vượt quá tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

Thứ hai: Tiền thuê nhà trả thay cho người lao động

Theo khoản 2 điều 11 thông tư 92/2015 sửa đổi bổ sung tiết đ.1 điểm đ khoản 2 điều 2 thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
“…..
Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.”
==> Theo đó, khoản tiền thuê nhà trả thay cho người lao động sẽ tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh.

Thứ ba: Tiền ăn giữa ca, ăn trưa cho người lao động

Theo tiết g.5 điểm g khoản 2 điều 2 thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
……
Thu nhập từ tiền lương, tiền công
…..
g) Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau:
…..
g.5) Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa ca cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn.
Trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
Mức chi cụ thể áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức, đơn vị thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, các Hội không quá mức hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và các tổ chức khác, mức chi do thủ trưởng đơn vị thống nhất với chủ tịch công đoàn quyết định nhưng tối đa không vượt quá mức áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Theo khoản 3 điều 4 Thông tư 10/2012/TT-BLĐTBXH ngày 26/04/2012 quy định: (Có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2012)
Mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động không vượt quá 680.000 đồng/người/tháng.
Vì vậy khoản tiền ăn trưa, ăn giữa ca mà cá nhân được nhận từ DN là khoản thu nhập từ tiền ăn giữa ca và không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Phần vượt quá 680.000đồng/người/tháng tính vào thu nhập chịu thuế TNCN

Thứ tư: Chi đám hiếu, hỉ cho bản thân vào gia đình người lao động


Khoản 5 điều 11 thông tư 92/2015 Bổ sung tiết g.10 điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013
“g.10) Khoản tiền nhận được do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp”
Vậy mức chi cho khoản này bao nhiêu là hợp lý?
Theo điểm 2.30 khoản 2 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC
“…..
– Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.

Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
Chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động không vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của Doanh nghiệp thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN, phần vượt quá tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động

Thứ năm: Tiền lương làm thêm giờ cho người lao động:

Theo điểm i khoản 1 điều 3 thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
“Điều 3. Các khoản thu nhập được miễn thuế:
….
i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau: 
i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
Ví dụ: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 30.000 đồng/giờ.
– Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 45.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
45.000 đồng/giờ – 30.000 đồng/giờ = 15.000 đồng/giờ
– Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
60.000 đồng/giờ – 30.000 đồng/giờ = 30.000 đồng/giờ
i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế. 
Thu nhập từ làm thêm giờ được quy định tại Điều 97 bộ luật lao động năm 2012 như sau:
“Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Như vậy: Phần trả cao hơn do làm thêm giờ theo quy định của doanh nghiệp và phù hợp với quy định của Bộ lao động, thương binh và xã hội không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

 KẾT LUẬN

– Khoán chi văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe, công tác phí phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và theo quy định của doanh nghiệp không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động
– Khoán chi trang phục phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và không vượt quá 5tr/người/năm thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động, phần vượt quá tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động
– Khoản tiền thuê nhà trả thay cho người lao động sẽ tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh.
– Khoản tiền ăn trưa, ăn giữa ca mà cá nhân được nhận từ DN là khoản thu nhập từ tiền ăn giữa ca và không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Phần vượt quá 680.000đồng/người/tháng tính vào thu nhập chịu thuế TNCN
– Chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động không vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của Doanh nghiệp thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN, phần vượt quá tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động
– Phần trả cao hơn do làm thêm giờ theo quy định của doanh nghiệp và phù hợp với quy định của Bộ lao động, thương binh và xã hội không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *