Thông tư 107/2017/TT-BTC | Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp

Thông tư 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Thông tư thay thế chế độ kế toán đơn vị HCSN ban hành theo quyết định 19.2006 và TT 185/2010/TT-BTC. 

thông tư 107
[Thông tư 107/2017/TT-BTC] Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp
Thông tư 107/2017/TT-BTC hướng dẫn danh mục biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán bắt buộc. Danh mục hệ thống tài khoản và phương pháp hạch toán tài khoản kế toán. Danh mục mẫu sổ và phương pháp lập sổ kế toán. Danh mục mẫu báo cáo và phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị. 

Điểm mới của TT 107/2017/TT-BTC

1. Về chứng từ kế toán

Theo quy định tại Thông tư 107, việc sử dụng chứng từ kế toán được thực hiện linh hoạt hơn. Trong đó, chứng từ kế toán được phân loại và quy định cụ thể thành 2 loại: chứng từ thuộc loại bắt buộc và chứng từ được tự thiết kế.

  • Đối với chứng từ thuộc loại bắt buộc: các đơn vị hành chính, sự nghiệp (HCSN) đều phải sử dụng thống nhất mẫu chứng từ kế toán thuộc loại bắt buộc quy định trong Thông tư bao gồm 4 loại sau: Phiếu thu, Phiếu chi, Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng, Biên lai thu tiền.

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị không được sửa đổi biểu mẫu chứng từ thuộc loại bắt buộc.

  • Đối với chứng từ được tự thiết kế: Ngoài 4 loại chứng từ kế toán bắt buộc kể trên và chứng từ bắt buộc quy định tại các văn bản khác, đơn vị hành chính, sự nghiệp được tự thiết kế mẫu chứng từ để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Mẫu chứng từ tự thiết kế phải đáp ứng tối thiểu 7 nội dung quy định tại Điều 16 Luật Kế toán.

2. Hệ thống tài khoản

Hệ thống tài khoản quy định tại Thông tư 107 được mở rộng, chi tiết và cụ thể hơn với 10 loại tài khoản, bao gồm:

Các loại tài khoản trong bảng: là tài khoản từ loại 1 đến loại 9, được hạch toán kép (hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản).

  • Theo Thông tư 107 các tài khoản trong bảng được phân chia theo tình hình tài chính (gọi tắt là kế toán tài chính) tại đơn vị phản ánh tình hình tài sản, công nợ, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, thặng dư (thâm hụt) của đơn vị trong kỳ kế toán. 
  • Trong đó phân loại lại một số tài khoản: phải thu, phải trả và bổ sung thêm các nhóm tài khoản mới: Doanh thu, chi phí, thu nhập khác, chi phí khác, xác định kết quả kinh doanh…

Loại tài khoản ngoài bảng: là tài khoản loại 0, được hạch toán đơn (không hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản). 

  • Các tài khoản ngoài bảng liên quan đến ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc ngân sách nhà nước được phản ánh theo mục lục ngân sách nhà nước, theo niên độ và theo các yêu cầu quản lý khác của ngân sách nhà nước. 
  • Trong đó bỏ một số TK như TK 005: Dụng cụ lâu bền đang sử dụng, sửa đổi và bổ sung thêm một số TK mới như TK 006: Dự toán vay nợ nước ngoài, TK 012: Lệnh chi tiền thực chi, TK 013: Lệnh chi tiền tạm ứng.

Nếu một nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh mà liên quan đến thu, chi ngân sách nhà nước thì kế toán vừa phải hạch toán kế toán tài chính và đồng thời hạch toán kế toán ngân sách.

3. Sổ sách kế toán

Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết. Tuỳ theo hình thức kế toán đơn vị áp dụng, đơn vị phải mở đầy đủ các sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết và thực hiện đầy đủ, đúng nội dung, trình tự và phương pháp ghi chép đối với từng mẫu sổ kế toán.

Phải mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi quá trình tiếp nhận và sử dụng nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài theo mục lục ngân sách nhà nước làm cơ sở lập báo cáo quyết toán và yêu cầu của nhà tài trợ.

Sổ tổng hợp:

  • Sổ Nhật ký dùng để ghi chép các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo trình tự thời gian.
  • Sổ Cái dùng để ghi chép các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo nội dung kinh tế (theo tài khoản kế toán).

Mẫu sổ, thẻ kế toán chi tiết:

  • Sổ, thẻ kế toán chi tiết dùng để ghi chi tiết các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh liên quan đến các đối tượng kế toán theo yêu cầu quản lý mà Sổ Cái chưa phản ánh chi tiết.
  • Trong đó theo Thông tư 107 các mẫu sổ chi tiết bổ sung thêm mẫu sổ chi tiết theo dõi số liệu quyết toán bao gồm 6 mẫu từ S101-H đến S106-H quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư 107.
  • Căn cứ vào yêu cầu quản lý và yêu cầu hạch toán của từng đối tượng kế toán riêng biệt, đơn vị được phép bổ sung các chỉ tiêu (cột, hàng) trên sổ, thẻ kế toán chi tiết để phục vụ lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo yêu cầu quản lý.

Nguyên tắc mở sổ kế toán

  • Sổ kế toán phải được mở vào đầu kỳ kế toán năm hoặc ngay sau khi có quyết định thành lập và bắt đầu hoạt động của đơn vị kế toán. Sổ kế toán được mở đầu năm tài chính, ngân sách mới để chuyển số dư từ sổ kế toán năm cũ chuyển sang và ghi ngay nghiệp vụ kinh tế, tài chính mới phát sinh thuộc năm mới từ ngày 01/01 của năm tài chính, ngân sách mới.
  • Số liệu trên các sổ kế toán theo dõi tiếp nhận và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước sau ngày 31/12 được chuyển từ tài khoản năm nay sang tài khoản năm trước để tiếp tục theo dõi số liệu phát sinh trong thời gian chỉnh lý quyết toán, phục vụ lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định.

Đơn vị được mở thêm các sổ kế toán chi tiết theo yêu cầu quản lý của đơn vị.

4. Về báo cáo quyết toán

Về hệ thống báo cáo

  • Sửa đổi, bổ sung các mẫu biểu báo cáo quyết toán. 
  • Ngoài ra để phù hợp với cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP hệ thống báo cáo theo Thông tư 107 cũng được bổ sung các danh mục báo cáo tài chính bao gồm: mẫu báo cáo tài chính đầy đủ ( Từ mẫu B01/BCTC đến B04/BCTC ) và mẫu báo cáo tài chính đơn giản theo Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư 107.

Về kỳ hạn lập báo cáo tài chính:

Thông tư 107, việc quy định về kỳ hạn lập báo cáo được chia thành 2 loại: Kỳ hạn lập báo cáo tài chính và Kỳ hạn lập báo cáo quyết toán.

  •   Đối với báo cáo tài chính: kỳ hạn lập báo cáo vào cuối kỳ kế toán năm (thời điểm 31/12) theo quy định của Luật Kế toán.

Ngoài ra báo cáo tài chính năm của đơn vị hành chính, sự nghiệp phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị cấp trên trong thời hạn 90 ngày. Kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.

  •   Đối với báo cáo quyết toán, có 2 loại: Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và Báo cáo quyết toán nguồn khác.

Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước: Lập báo cáo theo kỳ kế toán năm. Số liệu lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm là số liệu thu, chi của năm ngân sách, tính đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước (ngày 31/1 năm sau) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Báo cáo quyết toán kinh phí nguồn khác: Lập báo cáo quyết toán năm. Đơn vị phải lập báo cáo quyết toán khi kết thúc kỳ kế toán năm (sau ngày 31/12). Trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo theo kỳ kế toán khác thì ngoài báo cáo quyết toán năm đơn vị phải lập cả báo cáo theo kỳ kế toán đó. 

Thông tư 107/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Kế toán các đơn vị HCSN cần nắm rõ những điểm mới của thông tư này để  áp dụng vào nghiệp vụ doanh nghiệp. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *