Với thống kê dưới đây của Jobstreet các sinh viên và cử nhân tương lai sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về ngành mình lựa chọn.
Trang web tìm kiếm việc làm Jobstreet mới đây đã công bố ‘Báo cáo lương 2016’ cho thị trường nhân sự Việt Nam.
Báo cáo cho thấy, sinh viên mới ra trường có lương trung bình trong khoảng từ 2,8 triệu – 8,4 triệu đồng. Trong đó, chỉ có 3 vị trí có lương trung bình trên 8 triệu đồng/tháng.
Cao nhất là vị trí kế toán, kiểm toán, dịch vụ thuế cho ngành Luật – Dịch vụ luật, khi mức lương trung bình là 8,4 triệu đồng/tháng.
Đứng thứ 2 là những nhân sự mới ra trường đi làm thiết kế, sáng tạo cho ô tô, phụ tùng ô tô, phương tiện cơ giới. Xếp thứ 3 trong danh sách là làm về giáo dục trong lĩnh vực quan hệ công chúng – truyền thông.
Nhìn chung, lĩnh vực ‘Nghệ thuật thiết kế sáng tạo’, ‘Quan hệ công chúng’, ‘CNTT – Máy tính – Phần mềm’ là các mảng có mặt bằng thu nhập khá cao. Trong khi đó, sinh viên mới ra trường làm dịch vụ khách hàng, tài chính kế toán có thu nhập tương đối bèo bọt.
Cũng theo thống kê của Jobstreet, mặt bằng chung của hầu hết ngành nghề là mức lương 3-5 triệu dành cho sinh viên mới ra trường, một mức lương tương đối thấp, chỉ bằng 1/7 so với lương tại Malaysia.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, quý I/2016, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong số đó, số lượng người có trình độ đại học trở lên khoảng 191.000 người; trình độ cao đẳng chuyên nghiệp gần 119.000 người.
Các nhà tuyển dụng cho rằng, vấn đề lớn nhất trong lực lượng lao động tại Việt Nam là thiếu kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, đặc biệt là những sinh viên mới tốt nghiệp.
Trong con mắt của các nhà tuyển dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam, những sinh viên mới ra trường không chỉ thiếu kinh nghiệm mà còn cần thời gian để đào tạo, khiến các công ty này ưa thích tìm kiếm ứng viên có kinh nghiệm hơn.
Những nhà tuyển dụng khác thì cho rằng sinh viên mới tốt nghiệp không đáng tin và hay chuyển việc.
Có ít nhất khoảng 50% sinh viên mới ra trường có việc làm không liên quan đến chuyên ngành học, có 17% không thể tìm được công việc có liên quan đến ngành học và có 45% trả lời là họ chỉ làm việc tạm thời trước khi tìm được công việc phù hợp.
Theo Minh Quân/(Cafef)/Trí thức trẻ