Phương pháp hạch toán giá thành sản xuất tài khoản 631 theo Thông tư 133

Phương pháp hạch toán Giá thành sản xuất Tài khoản 631

Hạch toán giá thành sản xuất là nhằm mục đích tính toán tổng hợp chi phí sản xuất và tính toán giá thành sản phẩm. Mục tiêu xây dựng chiến lược cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cùng sản phẩm kinh doanh sản xuất. Do vậy, năm bắt được xu thế đó ngày 26 tháng 08 năm 2016, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 133/2016/TT-BTC về việc hướng dẫn Chế độ Kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Để giúp cho doanh nghiệp nắm bắt kịp thời và đầy đủ các thay đổi của Thông tư 133/2016/TT-BTC, chủ động thực hiện các thay đổi nhằm tuân thủ Pháp luật Kế toán. Kế toán Việt Hưng  xin cung cấp tới các bạn bài viết: Phương pháp Hạch toán Giá thành sản xuất Tài khoản 631 theo Thông tư 133

1. Nguyên tắc kế toán Tài khoản 631

+ Tài khoản 631

Dùng để phản ánh tổng hợp chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, dịch vụ ở các đơn vị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, bưu điện, du lịch, khách sạn,…trong trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ. (Đối với doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên thì không dùng tài khoản này)

+ Chỉ hạch toán vào tài khoản 631 các loại chi phí sản xuất, kinh doanh sau:

Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp; Chi phí nhân công trực tiếp; Chi phí sử dụng máy thi công(đối với doanh nghiệp xây lắp); chi phí sản xuất chung.

+ Không hạch toán vào tài khoản 631 các loại chi phí sau:

Chi phí bán hàng; Chi phí quản lý doanh nghiệp; Chi phí tài chính; Chi phí khác.

+ Tài khoản 631 còn phải được hạch toán chi tiết theo nơi phát sinh chi phí (phân xưởng, tổ, đội sản xuất…) theo nhóm sản phẩm dịch vụ

+ Đối với ngành nông nghiệp giá thành thực tế của sản phẩm được xác định vào cuối vụ. Sản phẩm thu hoạch năm nào thì tính giá thành năm đó, có nghĩa là năm nay phát sinh chi phí nhưng năm sau mới thu hoạch thì giá thành được tính vào năm sau.

+ Trong hoạt động kinh doanh khách sạn tài khoản 631 phải được theo dõi chi tiết theo từng loại hoạt động: ăn uống, phòng nghỉ, vui chơi giải trí, dịch vụ khác (giặt là, massage….)

+ Còn đối với ngành giao thông vận tải thì phải hạch toán chi tiết cho từng loại hoạt động. Trong quá trình vận tải săm lốp bị hao mòn nhanh hơn mức khấu hao đầu xe nên thường phải thay thế nhiều lần nhưng giá trị săm lốp thay thế không tính vào giá thành vận tải ngay một lúc khi xuất dùng thay thế mà phải trích trước hoặc phải phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh hàng kỳ.

2. Sơ đồ, kết cấu và nội dung phản ánh tài khoản 631- Giá thành sản xuất

2.1 Sơ đồ hạch toán

Sơ đồ Hạch toán Giá thành sản xuất Tài khoản 631 theo Thông tư 133/2016/BTC

2.2. Kết cấu và nội dung phản ánh

Hạch toán chi phí kinh doanh sản xuất

Bên nợ:

– Chi phí sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ dở dang đầu kỳ;

– Chi phí sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thực tế phát sinh trong kỳ.

Bên có:

– Giá thành nhập kho, dịch vụ hoàn thành kết chuyển vào tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”

– Chi phí sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ dở dang cuối kỳ chuyển vào tài khoản 154 “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang”

3. Một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu

a) Kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí dịch vụ dở dang đầu kỳ

Kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí dịch vụ dở dang đầu kỳ vào bên Nợ tài khoản 631 “Giá thành sản xuất”, ghi:

Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

b) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp vào tài khoản giá thành sản xuất, ghi:

Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất
Có TK 611 Mua hàng.

c) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí nhân công trực tiếp vào tài khoản giá thành sản xuất, ghi:

Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất
Có TK 334 Phải trả người lao động

d) Tính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Khi tính số Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và kinh phí công đoàn của số công nhân trực tiếp sản xuất và cán bộ quản lý sản xuất vào giá thành sản xuất, ghi:
Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất
Có TK 338 Phải trả, phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3385, 3388)

đ) Khi phát sinh các khoản chi phí khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ghi:

Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất
Có các TK 111, 112, 214, 331 …

e) Cuối kỳ kế toán, tiến hành kiểm kê và xác định giá trị sản phẩm, dịch vụ dở dang cuối kỳ, ghi;

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 631 – Giá thành sản xuất.

g) Giá thành sản phẩm nhập kho, dịch vụ hoàn thành, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 631 – Giá thành sản xuất.

Thông qua nguyên tắc kế toán và kết cấu, nội dung phản ảnh của Hạch toán Giá thành sản xuất Tài khoản 631 theo Thông tư 133/2016/BTC. Có thể nói rằng việc hạch toán giá thành sản xuất nhằm để phản ánh tổng hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm cũng như dịch vụ ở các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất. Việc hạch toán tài khoản 631 trong phạm quy quy định, nhằm mục đích biết rõ thực trạng những chi phí ảnh hưởng đến giá thành.

Như vậy, Kế Toán Việt Hưng vừa chia sẻ với các bạn Phương pháp Hạch toán Giá thành sản xuất Tài khoản 631 theo Thông tư 133. Nếu còn vướng mắc chỗ nào các bạn comment dưới bài viết này nhé! Chúc các bạn thành công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

close

GIẢI ĐÁP MIỄN PHÍ 24/7

Kế toán, thuế, bảo hiểm, Doanh nghiệp...