Tóm Tắt Nguyên Lý Kế Toán Chi Tiết Và Dễ Hiểu Cho Người Mới

Nguyên lý kế toán là nhập môn của ngành kế toán. Đây là môn học cung cấp kiến thức cơ bản về kế toán cho người học, là nền tảng của chương trình đào tạo khối ngành kinh tế nói chung và là môn học cơ sở cho chuyên ngành kế toán nói riêng. Hôm nay Kế toán Việt Hưng sẽ giới thiệu tới bạn đọc bài viết tóm tắt kiến thức Nguyên lý kế toán để các bạn nắm được những điều cơ bản nhất của môn học quan trọng này nhé.

học kế toán xây dựng thực tế 4

1. Khái quát chung về kế toán – nguyên lý kế toán

Nguyên lý kế toán đề cập tới các khái niệm và nguyên tắc kế toán cơ bản, đồng thời giới thiệu về chu trình kế toán và nghiên cứu chu trình kế toán trong một một loại hình doanh nghiệp – doanh nghiệp thương mại.

a. Khái niệm Nguyên lý kế toán

+ Theo chuẩn mực kế toán: Kế toán là công việc ghi chép, tính toán bằng con số dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động, chủ yếu dưới hình thức giá trị để phản ánh, kiểm tra tình hình vận động của các loại tài sản, quá trình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn và kinh phí của Nhà nước, cũng như từng tổ chức, xí nghiệp

+ Theo ngôn ngữ đời thường: Kế toán là nghệ thuật thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản và sự vận động của tài sản (hay là toàn bộ thông tin về tài sản và các hoạt động kinh tế tài chính) trong doanh nghiệp nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho việc ra các quyết định về kinh tế – xã hội và đánh giá hiệu quả của các hoạt động trong doanh nghiệp.

=> Kế toán là quá trình thu nhận, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin về kinh tế tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động của một doanh nghiệp.

b. Đặc điểm chung

+ Kết cấu chung của tài khoản được xây dựng trên cơ sở tính cân đối của kế toán và tính chất vận động của đối tượng kế toán.

+ Tính chất cân đối của kế toán chỉ ra rằng tại một thời điểm bất kỳ tổng tài sản luôn bằng với tổng nguồn vốn chủ sở hữu (nghĩa lầ tổng tài sản luôn bằng tổng nguồn vốn).

c. Đối tượng kế toán

Đối tượng kế toán là đối tượng mà kế toán cần phản ánh và giám đốc: Đó là sự hình thành, và sự biến động của tài sản trong quá trình hoạt động của đơn vị.

– Tài sản và sự biến động của tài sản hoàn toàn có thể tính ra bằng tiền. Do vậy, để đơn giản và dễ hiểu, có thể nói rằng: Tất cả những gì thuộc quyền quản lý và sử dụng của đơn vị có thể biểu hiện dưới hình thức tiền tệ đều là đối tượng mà kế toán cần phải phản ánh và giám đốc

– Để làm sáng tỏ và cụ thể hoá đối tượng của kế toán ta có thể lấy hoạt động cụ thể của một doanh nghiệp sản xuất để minh họa. Trước hết, để tiến hành hoạt động thì doanh nghiệp cần phải có và đang có loại tài sản hữu hình và vô hình như sau:

  • Nhà cửa, máy móc, thiết bị, kho tàng, phương tiện vận tải
  • Các loại nguyên vật liệu (nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu…)
  • Công cụ, dụng cụ nhỏ
  • Hàng hoá, thành phẩm
  • Tiền mặt
  • Tiền gửi ngân hàng
  • Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu)
  • Các khoản mà các đơn vị và cá nhân thiếu nợ doanh nghiệp: Phải thu của khách hàng, tạm ứng, phải thu khác…
  • Các khoản thuộc về lợi thế cửa hàng, bằng phát minh, sáng chế, nhãn hiệu thương mại…

– Các loại tài sản trên thường xuyên vận động, thay đổi trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời số hiện có và sự vận động của từng loại tài sản đã nêu trên là nội dung cơ bản của công việc kế toán. Như vậy rút ra kết luận: Từng loại tài sản và sự vận động của nó trong quá trình sản xuất kinh doanh là đối tượng cụ thể mà kế toán phải phản ánh và giám đốc –

– Các loại tài sản nói trên được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và được phân thành các loại chủ yếu là nguồn vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.

d. Chức năng nhiệm vụ của kế toán

– Quan sát, thu nhận và ghi chép một cách có hệ thống hoạt động kinh doanh hàng ngày các nghiệp vụ kinh tế phát sinh và các sự kiện kinh tế khác như: giám sát, thực hiện các khoản thu chi, tiền gửi ngân hàng, tính toán giá thành sản xuất, kiểm tra và lập nhập kho hàng mua, xuất kho bán hàng, tính lương nhân viên…

– Phân loại các nghiệp vụ và sự kiện kinh tế thành các nhóm và các loại khác nhau, ghi vào sổ kế toán để theo dõi một cách có hệ thống sự biến động của tài sản và nguồn vốn kinh doanh trong doanh nghiệp

– Tổng hợp các thông tin đã phân loại thành các báo cáo kế toán (Báo cáo tài chính và các báo cáo quản trị), phân tích tài chính từ các số liệu kế toán đê tư vấn cho người ra các quyết định (Giám đốc, kinh doanh, nhà đầu tư…)

– Thực hiện các công việc liên quan đến quyền và nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp: kê khai thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và các loại thuế khác hàng tháng, hàng quý, hàng năm.

Tóm lại, Kế toán sẽ làm các công việc sau:

  • Thu nhận: Ghi chép lại các hoạt động kinh tế vào các chứng từ kế toán.
  • Xử lý: Hệ thống hóa các thông tin từ chứng từ kế toán vào sổ sách kế toán.
  • Cung cấp: Tổng hợp số liệu để lập các báo cáo kế toán.

Và được thực hiện qua các trình tự sau:

nguyên lý kế toán

e. Yêu cầu kế toán 

– Phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán và BCTC.

– Phản ánh kịp thời, đúng thời gian quy định thông tin, số liệu kế toán.

– Phản ánh rõ ràng, dễ hiểu và chính xác thông tin, số liệu kế toán.

– Phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính.

– Thông tin, số liệu kế toán phải được phản ánh liên tục từ khi phát sinh đến khi kết thúc hoạt động kinh tế, tài chính, từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động của đơn vị kế toán; số liệu kế toán phản ánh kỳ này phải kế tiếp theo số liệu kế toán của kỳ trước.

– Phân loại, sắp xếp thông tin, số liệu kế toán theo trình tự, có hệ thống và có thể so sánh được.

2. Một số nguyên tắc kế toán chung được thừa nhận

Giá gốc: Giá trị của tài sản được tính theo giá gốc, bao gồm chi phí mua, bốc xếp, vận chuyển, lắp ráp, chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác đến khi đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. – Nhất quán: Các quy định và phương pháp kế toán đã chọn phải được áp dụng nhất quán trong kỳ kế toán năm; trường hợp có sự thay đổi về các quy định và phương pháp kế toán đã chọn thì đơn vị kế toán phải giải trình trong BCTC.

Cơ sở dồn tích: Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền, nhằm phản ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Hoạt động liên tục: Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình. Trường hợp giả định hoạt động không liên tục thì báo cáo tài chính phải lập trên một cơ sở khác và phải giải thích cơ sở đã sử dụng để lập báo cáo tài chính.

Phù hợp: Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó, doanh thu của kỳ nào được ghi nhận vào đúng kỳ đó.

Thận trọng: Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi:

  • Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn; 
  • Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập; 
  • Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí;
  • Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về 
  • Khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí. 

Trọng yếu: Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thiếu chính xác của thông tin đó có thể làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính. Tính trọng yếu phụ thuộc vào độ lớn và tính chất của thông tin hoặc các sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét trên cả phương diện định lượng và định tính

Xem thêm:

3. Đơn vị tính sử dụng trong kế toán 

– Đơn vị tiền tệ là đồng Việt Nam

– Trong trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh là ngoại tệ, phải ghi theo nguyên tệ và đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế hoặc quy đổi theo tỷ giá hối đoái. Đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam.

– Đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ thì được chọn một loại ngoại tệ do Bộ Tài chính quy định làm đơn vị tiền tệ để kế toán, nhưng khi lập BCTC sử dụng tại Việt Nam phải quy đổi ra đồng Việt.

– Đơn vị hiện vật và đơn vị thời gian lao động là đơn vị đo lường chính thức của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp có sử dụng đơn vị đo lường khác thì phải quy đổi ra đơn vị đo lường chính thức của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Kỳ kế toán – Nguyên lý kế toán

4.1 Kỳ kế toán gồm kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng và được quy định như sau:

– Kỳ kế toán năm là 12 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch. Đơn vị kế toán có đặc thù riêng về tổ chức, hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là 12 tháng tròn theo năm dương lịch, bắt đầu từ đầu ngày 01 tháng đầu quý này đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau và thông báo cho cơ quan tài chính biết;

– Kỳ kế toán quý là ba tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý;

– Kỳ kế toán tháng là một tháng, tính từ đầu ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng.

4.2 Kỳ kế toán của đơn vị kế toán mới được thành lập được quy định như sau: 

– Kỳ kế toán đầu tiên của doanh nghiệp mới được thành lập tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đến hết ngày cuối cùng của kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng theo quy định tại khoản a mục 1.5 nói trên;

– Kỳ kế toán đầu tiên của đơn vị kế toán khác tính từ ngày có hiệu lực ghi trên quyết định thành lập đến hết ngày cuối cùng của kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng theo quy định tại khoản a mục 1.5 nói trên.

4.3 Đơn vị kế toán khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc phá sản thì kỳ kế toán cuối cùng tính từ đầu ngày kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng theo quy định tại khoản a mục 1.5 nói trên đến hết ngày trước ngày ghi trên quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc phá sản đơn vị kế toán có hiệu lực.

4.4 Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian ngắn hơn chín mươi ngày thì được phép cộng (+) với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng (+) với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm. Kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải ngắn hơn mười lăm tháng.

5. Chứng từ kế toán

Chứng từ kế toán là những chứng minh bằng giấy tờ về nghiệp vụ kinh tế tài chính đã phát sinh và thực sự hoàn thành.

Chứng từ kế toán là khâu đầu tiên của quá trình kế toán có tác dụng:

  • Chứng minh cho các nghiệp vụ kinh tế phát sinh
  • Căn cứ để ghi sổ kế toán
  • Cơ sở kinh tế để giải quyết mọi sự tranh chấp, khiếu nại, tố cáo
  • Quản lý giám sát quá trình kinh tế

5.1 Nội dung chứng từ kế toán

  • Tên của chứng từ kế toán;
  • Số hiệu của chứng từ kế toán;
  • Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán;
  • Tên, địa chỉ của đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán;
  • Tên, địa chỉ của đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán;
  • Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
  • Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;
  • Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán.

Ngoài những nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán nói trên, chứng từ kế toán có thể có thêm những nội dung khác theo từng loại chứng từ.

5.2 Các loại chứng từ

– Chứng từ kế toán bắt buộc: là mẫu chứng từ đặc biệt có giá trị như tiền gồm: Séc, Biên lai thu tiền, Tín phiếu, Trái phiếu, Công trái, hóa đơn GTGT và các loại chứng từ kế toán bắt buộc khác. Mẫu chứng từ bắt buộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định nội dung, kết cấu mẫu mà các đơn vị kế toán phải thực hiện đúng về biểu mẫu, nội dung, phương pháp ghi các chỉ tiêu và áp dụng thống nhất cho các đơn vị kế toán hoặc từng đơn vị kế toán.

– Chứng từ kế toán hướng dẫn: là mẫu chứng từ kế toán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; ngoài các nội dung quy định trên mẫu, đơn vị kế toán có thể bổ sung thêm chỉ tiêu hoặc thay đổi hình thức mẫu biểu cho phù hợp với việc ghi chép và yêu cầu quản lý của đơn vị.

– Chứng từ điện tử: Chứng từ điện tử được coi là chứng từ kế toán khi có các nội dung trên và được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hóa mà không bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng máy tính hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán., được bảo mật và đăng ký sử dụng theo quy định chặt chẽ của Pháp luật. Lúc hạch toán kế toán có thể in chứng từ điện tử ra chứng từ giấy có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi, kiểm tra… nhưng không có giá trị thanh toán hay giao dịch.

nguyên lý kế toán

6. Tài khoản kế toán

Tài khoản kế toán dùng để phân loại và phản ánh liên tục có hệ thống từng đối tượng kế toán riêng biệt qua các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong doanh nghiệp.

Hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp mới nhất theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư này.

8 loại tài khoản theo TT 200 sau:

– Tài Khoản TÀI SẢN: 6 nguyên tắc kế toán và 33 tài khoản (9 nhóm)

– Tài Khoản NỢ PHẢI TRẢ: 1 nguyên tắc và 15 tài khoản, chia thành 4 nhóm

– Tài Khoản VỐN CHỦ SỞ HỮU: 1 nguyên tắc kế toán và 11 tài khoản, chia thành 5 nhóm

-Tài Khoản DOANH THU: 1 nguyên tắc kế toán và 3 tài khoản, chia thành 2 nhóm

– Tài Khoản CHI PHÍ SẢN XUẤT, KINH DOANH: 1 nguyên tắc kế toán và 10 tài khoản, chia thành 4 nhóm

– Tài Khoản THU NHẬP KHÁC: 1 tài khoản

– Tài Khoản CHI PHÍ KHÁC: 2 tài khoản

– Tài Khoản XÁC ĐỊNH KẾT QUẢ KINH DOANH: 1 tài khoản

nguyên lý kế toán

18 3

Tải mẫu tài khoản trên TẠI ĐÂY

7. Sổ kế toán 

Là phương tiện để ghi chép một cách có hệ thống các nghiệp vụ Kế toán tài chính phát sinh theo thời gian cũng như theo đối tượng. Đối với công tác Kế toán, việc quan trọng nhất phải hiểu sổ sách để phản ánh kịp thời các nghiệp vụ phát sinh, nó là nguồn số liệu quan trọng nhất nhằm phục vụ cho công việc lập Báo cáo tài chính

Quy trình ghi sổ kế toán nguyên lý kế toán:

  • Mở sổ: Phải lựa chọn hình thức kế toán theo: Nhật ký sổ cái, Nhật ký chung, NKTK hoặc kế toán trên máy:
  • Ghi sổ: Ghi các chứng từ kế toán vào các sổ thích hợp từng đối tượng kế toán
  • Sửa chữa sai sót: Theo quy định
  • Khoá sổ:

*) Tháng bắt đầu mở sổ: Khoá sổ 2 dòng

+ Dòng 1: Cộng phát sinh trong kỳ

+ Dòng 2: Số dư trong kỳ

*) Tháng 2: Từ tháng thứ 2 trở đi bắt buộc phải khoá sổ 4 dòng

+ Dòng 1: Cộng phát sinh trong kỳ

+ Dòng 2: Số phát sinh tháng trước mang ra (dòng 1 trong tháng 1)

+ Dòng 3: Phát sinh luỹ kế đến tháng này (dòng 1 + dòng 2)

+ Dòng 4: Số dư đến tháng nay

Ví dụ: Tháng 8/2019

nguyên lý kế toán

8. Phương pháp sửa chữa sai sót – Nguyên lý kế toán

Khi phát hiện sổ Kế toán ghi bằng tay mà có sai sót tuyệt đối không được tẩy xoá làm mất số liệu ghi sai, mà phải sửa chữa theo ba phương pháp sau đây:

8.1 Phương pháp cải chính

Là phương pháp trực tiếp thay thế phần giá trị sai bằng phần ghi đúng và thường áp dụng khi phần ghi sai phát hiện sớm trước khi cộng dồn số lượng hoặc chuyển sổ. Theo phương pháp này, KT dùng mực đỏ gạch ngang phần ghi sai và dùng mực thường ghi phần đúng vào khoảng trống phía trên bên cạnh ghi rõ họ và tên, chữ ký Kế toán trưởng.

Ví dụ:

nguyên lý kế toán

8.2 Phương pháp ghi bổ sung

Muốn bổ sung được Kế toán phải lập chứng từ ghi sổ bổ sung, phương pháp này chỉ áp dụng khi bỏ sót nghiệp vụ con số ghi thực tế và sai sót, phát hiện muộn khi đã cộng dòng số liệu. Thực tế phương pháp này KT bổ sung định khoản cùng quan hệ đối ứng với sự chênh lệch thiếu.

Ví dụ: Rút tiền gửi ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt là 7.500.000

Đúng                Nợ TK 111 : 7.500.000

Có TK 112 : 7.500.000 Sai

Nợ TK 111 : 5.700.000

Có TK 112: 5.700.000

Ghi bổ sung

Nợ TK 111 : 1.800.000

Có TK 112: 1.800.000

(Tự lập chứng từ ghi sổ)

8.3 Phương pháp ghi sổ âm (đỏ)

Được sử dụng khi cần sử dụng giảm (kể cả xoá đi toàn bộ) con số đã ghi. Trường hợp này dùng bút đỏ để ghi con số đó hoặc đặt con số cần ghi vào trong khung hoặc trong ngoặc kép để xoá đi các con số ghi sai, thừa, lệch.

Ví dụ:                         Đúng   Nợ TK 111 : 7.500

Có TK 112 : 7.500 Sai

Nợ TK 111 : 7.600

Có TK 112 : 7.600

– Điều chỉnh bút toán âm dùng bút đỏ ghi

nguyên lý kế toán

Ghi lại bút toán ngày bao nhiêu rồi điều chỉnh lại.

9. Sửa chữa trên máy

– Trường hợp ghi rõ trên máy tuỳ theo từng trường hợp cụ thể để áp dụng phương pháp sửa chữa. Nếu chưa in số thì sửa chữa trực tiếp trên máy, nếu sau khi in số thì sửa chữa theo ba phương pháp trên và đồng thời sửa chữa trên máy sau đó mới được in số.

– Trường hợp phát hiện kế toán thiếu do sai sót trước khi làm báo cáo tài chính năm mà đã nộp cho cơ quan thuế thì phải sửa chữa kế toán của năm đó sau đó nộp lại Báo cáo tài chính.

– Trường hợp phát hiện có sai sót nhưng không trọng yếu trên BCTC sau khi in số phải ghi chú vào dòng cuối của năm KT có bị sai sót đó (nguyên lý kế toán)

10. Phương trình kế toán cơ bản

Tổng Tài sản = Tổng Nguồn vốn
Tài sản =Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu
TSDH + TSNH = NPT + VCSH

11. Các Báo cáo tài chính cơ bản:

a, Bảng cân đối kế toán

Đây là một báo cáo tài chính tổng hợp phản ánh tổng quát toàn bộ tài sản của doanh nghiệp theo 2 cách phân loại: kết cấu của tài sản và nguồn hình thành của tài sản dưới hình thức tiền tệ tại một thời điểm nhất định.

– Kết cấu: gồm 2 phần là Tài sản (Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn) và Nguồn vốn (Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu). Sau mỗi nghiệp vụ kinh tế phát sinh bảng cân đối kế toán sẽ thay đổi tương ứng để phản ánh kịp thời tình hình tài sản và nguồn vốn . Số tổng cộng của Bảng cân đối kế toán cũng tăng hay giảm một lượng tương ứng ở 2 bên Tài sản và Nguồn vốn.

+ Tài sản ngắn hạn: là các tài sản của đơn vị có thời gian sử dụng, luân chuyển hoặc thu hồi ngắn ( trong 12 tháng hoặc một chu kỳ kinh doanh).

+ Tài sản dài hạn: các tài sản có đơn vị thời gian sử dụng, luân chuyển hoặc thu hồi dài ( hơn 12 tháng hoặc nhiều chu kỳ kinh doanh).

+ Nợ phải trả: là nghĩa vụ tiền tệ mà đơn vị phải thanh toán cho các bên cung cấp nguồn lực trong một khoảng thời gian nhất định.

+ Nguồn vốn chủ sở hữu: là khoản vốn góp của chủ sở hữu đơn vị, kết quả kinh doanh do đơn vị tạo ra và các nguồn tích lũy phục vụ các hoạt động kinh doanh của đơn vị.

b, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Đây là một báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát tình hình doanh thu, chi phí tương ứng và kết quả kinh doanh trong một kỳ kế toán của Doanh nghiệp. Đồng thời, nó cũng cho thấy tình hình thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước của đơn vị.

Báo cáo kết quả kinh doanh gồm có 2 phần:

– Lãi/lỗ:

Thể hiện toàn bộ lãi (lỗ) của hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động tài chính. Bao gồm:

  • Doanh thu: bao gồm tổng doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại, doanh thu thuần
  • Giá vốn hàng bán: Phản ánh toàn bộ chi phí để mua hàng và để sản xuất
  • Chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh: bao gồm chi phí lưu thông và chi phí quản lý
  • Lãi (hoặc lỗ): phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ (nguyên lý kế toán)

– Tình hình thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước:

Bao gồm các chỉ tiêu phản ánh nghĩa vụ đối với nhà nước của doanh nghiệp và các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí hoạt động công đoàn, các khoản chi phí và lệ phí,…

c, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một loại báo cáo tài chính thể hiện dòng tiền ra và dòng tiền vào của một tổ chức trong một khoảng thời gian nhất định (tháng, quý hay năm tài chính).Báo cáo này là một công cụ giúp nhà quản lý tổ chức kiểm soát dòng tiền của tổ chức. Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ thông thường gồm có:

– Dòng tiền vào:

  • Các khoản thanh toán của khách hàng cho việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ
  • Lãi tiền gửi từ ngân hàng
  • Lãi tiết kiệm và lợi tức đầu tư
  • Đầu tư của cổ đông

– Dòng tiền ra:

  • Chi mua cổ phiếu, nguyên nhiên vật liệu thô,hàng hóa để kinh doanh hoặc các công cụ
  • Chi trả lương, tiền thuê và các chi phí hoạt động hàng ngày
  • Chi mua tài sản cố định – máy tính cá nhân, máy móc, thiết bị văn phòng,…
  • Chi trả lợi tức
  • Chi trả thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và các thuế và phí khác

  Ngoài ra, còn có Thuyết minh báo cáo tài chính nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các Báo cáo tài chính tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp.

Các bạn tải Mẫu báo cáo tài chính  TẠI ĐÂY

học kế toán xây dựng thực tế 4

Trên đây là bài viết tóm tắt nội dung chính cần nắm về Nguyên lý kế toán. Mong rằng qua đây bạn đã nắm rõ về chủ đề này. Các bạn hãy truy cập Kế toán Việt Hưng để tham khảo những khóa học chất lượng về kế toán thực tế và để được giải đáp những thắc mắc liên quan nhé. Chúc các bạn học tốt.

Có 3 bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *