Kiểm toán báo cáo tài chính là gì? Lập kế hoạch và quy trình kết thúc kiểm toán như thế nào? Hôm nay, kế toán Việt Hưng sẽ trình bày chi tiết chủ đề này qua bài viết dưới đây.
1. Kiểm toán báo cáo tài chính là gì?
“ Kiểm toán là việc các kiểm toán viên độc lập kiểm tra và trình bày ý kiến của mình về báo cáo tài chính”.
(Theo định nghĩa của Liên đoàn kế toán quốc tế (International Federation of Accoutants – IFAC))
“ Kiểm toán là việc xem xét, kiểm tra các ghi chép kế toán bởi các kế toán viên công cộng”. Kiểm toán tài chính là việc kiểm tra và xác nhận về tính trung thực và hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán và báo cáo tài chính (BCTC) của đơn vị, phục vụ đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin trên BCTC của đơn vị.
(Theo Tiến sỹ Robert N.Anthony, giáo sư Trường Đại học Harvard (Mỹ))
Kiểm toán báo cáo tài chính là việc kiểm toán để kiểm tra và xác nhận tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính cũng như việc BCTC có được trình bày phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán được thừa nhận hay không. Thước đo để đánh giá kiểm toán BCTC là hệ thống chuẩn mực kế toán và kiểm toán.
Đối tượng thường xuyên và chủ yếu của kiểm toán tài chính là các báo cáo tài chính. Chính vì thế kiểm toán tài chính còn được gọi là kiểm toán báo cáo tài chính. Theo chuẩn mực kiểm toán Việt nam số 200, điểm 04 đã định nghĩa báo cáo tài chính như sau: “ Báo cáo tài chính là hệ thống báo cáo được lập theo chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành (hoặc được chấp nhận) phản ánh các thông tin kinh tế, tài chính chủ yếu của đơn vị”.
BCTC ở các đơn vị kinh doanh bao gồm các báo cáo sau:
– Bảng cân đối kế toán
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
– Thuyết minh BCTC
Báo cáo tài chính doanh nghiệp (đơn vị kinh doanh) là những báo cáo được tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán theo các chỉ tiêu kinh tế tài chính tổng hợp, phản ánh có hệ thống tình hình tài sản, nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp, tình hình và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tình hình lưu chuyển tiền tệ và tình hình quản lý, sử dụng vốn của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định vào một hệ thống mẫu biểu quy định thống nhất
Báo cáo tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp: Bảng cân đối tài khoản/ Tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí Báo cáo tình hình tăng giảm TSCĐ Thuyết minh BCTC/ Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại cơ quan tài chính xã, phòng tài chính huyện, sở tài chính, bộ tài chính, cơ quan thuế, kho bạc nhà nước
⇒ Ngoài báo cáo tài chính thì đối tượng của kiểm toán tài chính còn có các bảng kê khai có tính chất tài chính tức là trong các bảng kê khai đó có yếu tố tiền tệ, thông tin được biểu hiện dưới hình thái bằng tiền chẳng hạn như bảng kê khai tài sản cá nhân, bảng kê khai tài sản doanh nghiệp phá sản…
2. Kế hoạch trình tự các bước kiểm toán báo cáo tài chính
BƯỚC 1 – Chuẩn bị
Là giai đoạn tiền kế hoạch, là giai đoạn tiếp cận để thu thập những thông tin về khách hàng nhằm giúp kiểm toán viên tìm hiểu về các nhu cầu của họ, đánh giá về khả năng phục vụ và các vấn đề khác như thời gian thực hiện, phí kiểm toán, tính liêm chính của ban giám đốc công ty khách hàng..Dựa vào đó, nếu đồng ý, kiểm toán viên sẽ ký kết hợp đồng kiểm toán với khách hàng.
Giai đoạn chuẩn bị kế hoạch này kiểm toán viên phải thực hiện các công việc:
– Đánh giá khả năng chấp nhận kiểm toán
– Nhận diện lý do kiểm toán của khách hàng
– Lựa chọn đội ngũ kiểm toán viên và ký hợp đồng kiểm toán
BƯỚC 2 – Nghiên cứu tìm hiểu về khách hàng kiểm toán
Sau khi ký kết hợp đồng kiểm toán, kiểm toán viên chuyển sang giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán. Để có thể xây dựng và thực hiện kế hoạch và chương trình kiểm toán hữu hiệu và hiệu quả, kiểm toán viên phải có hiểu biết đầy đủ về khách hàng chủ yếu là về tình hình kinh doanh và hệ thống kiểm soát nội bộ. Những hiểu biết này sẽ giúp kiểm toán viên hoạch định các thủ tục kiểm toán phù hợp với đặc điểm hoạt động của đơn vị nhất là giúp kiểm toán viên xác định được các khu vực có rủi ro cao để có những biện pháp thích hợp.
– Cần đạt được sự hiểu biết trên một phạm vi rất rộng: thực trạng nền kinh tế, mức độ lạm phát, các chính sách của chính phủ, biến động thị trường chứng khoán; môi trường và lĩnh vực hoạt động của đơn vị được kiểm toán & đặc điểm về sở hữu và quản lý, tình hình kinh doanh của đơn vị, khả năng tài chính của đơn vị…
– Về sở hữu và quản lý
– Tình hình kinh doanh của đơn vị (sản phẩm, thị trường, các nhà cung cấp, chi phí, các hoạt động nghiệp vụ): quy mô hoạt động/điều kiện sản xuất/nhà cung cấp hàng hoá và dịch vụ/Cơ cấu nợ vay/ Các khoản chi phí quan trọng…
– Thu thập và nghiên cứu tài liệu về tình hình kinh doanh
– Khả năng tài chính: tình hình thanh toán và khả năng thanh toán của đơn vị được kiểm toán
- Tiếp cận và quan sát về thiết kế và vận hành của hệ thống kiểm soát nội bộ
- Bước đầu hình dung về hoạt động của các phân xưởng, cửa hàng, về sản phẩm dở dang, về thiết bị..nhờ đó kiểm toán viên hiểu hơn về tình hình hoạt động thực tế của khách hàng
– Phỏng vấn: Kiểm toán viên có thể phỏng vấn người đứng đầu trong đơn vị hoặc các cán bộ chủ chốt tại các bộ phận trong quá trình tham quan để hiểu biết về hệ thống kiểm soát nội bộ và tình hình kinh doanh của đơn vị.
– Thủ tục phân tích áp dụng trong giai đoạn lập kế hoạch giúp xác định bản chất, nội dung các thủ tục kiểm toán, thời gian và phạm vi thực hiện các thủ tục kiểm toán. Giúp cho kiểm toán viên hiểu rõ hơn về tình hình hoạt động của khách hàng, phát hiện những biến động bất thường về kế toán và hoạt động kinh doanh, qua đó giúp dự đoán về những khu vực có rủi ro cao. Ngoài ra còn giúp kiểm toán viên xác định các vấn đề nghi vấn về hoạt động liên tục của Công ty khách hàng.
BƯỚC 3 – Xác lập mức trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán xác lập mức trọng yếu
- Về mặt định lượng, được gọi là trọng yếu khi sai lệch trên báo cáo tài chính đạt đến một số tiền nhất định có thể gây ảnh hưởng đến quyết định của những người sử dụng báo cáo tài chính
- Về mặt định tính, kiểm toán viên phải nhận thức rằng có những trường hợp tuy sai lệch có giá trị thấp nhưng do bản chất của nó nên có thể vẫn gây ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng báo cáo tài chính thí dụ như sai lệch có tác động dây chuyền, sai lệch là gian lận, sai lệch luỹ kế.
- Xác định mức trọng yếu là vấn đề thuộc xét đoán chuyên nghiệp của kiểm toán viên. Kiểm toán viên xác lập mức trọng yếu cho toàn bộ báo cáo tài chính và phân bổ mức trọng yếu đó cho từng khoản mục trên báo cáo tài chính
VD: Khi xác lập mức trọng yếu thấp tức là sai lệch được phép khá nhỏ, kiểm toán viên phải mở rộng phạm vi kiểm tra cũng như tăng cỡ mẫu của các thử nghiệm cơ bản.
- Bao gồm rủi ro kiểm toán mong muốn, rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát nhằm xác định mức rủi ro phát hiện phù hợp. Trên cơ sở đó thiết kế các thử nghiệm kiểm toán thích hợp. (Ví dụ: đối với khoản mục mà rủi ro phát hiện chấp nhận được là thấp, kiểm toán viên cần tăng cường thử nghiệm chi tiết, mở rộng cỡ mẫu. Ngược lại, đối với khoản mục có thể cho phép mức rủi ro phát hiện cao, kiểm toán viên có thể giảm bớt các thử nghiệm cơ bản và giảm cỡ mẫu để tăng hiệu quả kinh tế)
- Mức tin tưởng vào BCTC của người sử dụng.
- Khả năng công ty khách hàng gặp khó khăn về tài chính sau khi báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán được công bố.
– Đánh giá rủi ro tiềm tàng: Bản chất kinh doanh của khách hàng/Kết quả của các lần kiểm toán trước/Hợp đồng kiểm toán lần đầu và hợp đồng kiểm toán dài hạn/Các ước tính kế toán/ Số lượng tiền của các số dư tài khoản
– Đánh giá rủi ro kiểm soát: khả năng xẩy ra các sai phạm trọng yếu trong từng nghiệp vụ, từng khoản mục trong báo cáo tài chính khi hệ thống kiểm soát nội bộ không ngăn ngừa, không phát hiện và sửa chữa kịp thời.
– Đánh giá rủi ro phát hiện: Xác định từ ba loại rủi ro: rủi ro kiểm toán mong muốn, rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát. Khả năng xẩy ra các sai phạm trọng yếu trong từng nghiệp vụ, từng khoản mục trong báo cáo tài chính mà trong quá trình kiểm toán kiểm toán viên và công ty kiểm toán đã không phát hiện được.
BƯỚC 4 – Tiến hành xây dựng kế hoạch và thiết kế chương trình kiểm toán
(1) Lập kế hoạch chiến lược
– Bao gồm các định hướng cơ bản, nội dung trọng tâm và phương pháp tiếp cận chung của cuộc kiểm toán do cấp chỉ đạo vạch ra dựa trên hiểu biết về tình hình hoạt động và môi trường kinh doanh của đơn vị được kiểm toán.
⇒ Công ty kiểm toán phải lập kế hoạch chiến lược còn trong những cuộc kiểm toán khác thì không nhất thiết phải lập kế hoạch này.
– Cuộc kiểm toán lớn về quy mô là cuộc kiểm toán báo cáo tài chính tổng hợp (hoặc báo cáo tài chính hợp nhất) của Tổng công ty, trong đó có nhiều công ty đơn vị trực thuộc cùng loại hình hoặc khác loại hình kinh doanh
– Cuộc kiểm toán có tính chất phức tạp là cuộc kiểm toán có dấu hiệu tranh chấp, kiện tụng hoặc nhiều hoạt động mới mà kiểm toán viên và công ty kiểm toán chưa có nhiều kinh nghiệm
– Cuộc kiểm toán địa bàn rộng là cuộc kiểm toán của đơn vị có nhiều đơn vị cấp dưới nằm trên nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, kể cả chi nhánh ở nước ngoài
– Kiểm toán báo cáo tài chính nhiều năm là khi công ty ký hợp đồng kiểm toán cho một số năm tài chính liên tục
(2) Lập kế hoạch kiểm toán tổng thể
Là việc cụ thể hoá kế hoạch chiến lược và phương pháp tiếp cận chi tiết về nội dung, lịch trình và phạm vi dự kiến của các thủ tục kiểm toán.Mục tiêu của kế hoạch kiểm toán tổng thể là để có thể thực hiện công việc kiểm toán một cách có hiệu quả và theo đúng thời gian dự kiếnBao gồm các nội dung sau:
- Hiểu biết của kiểm toán viên về hoạt động kinh doanh của khách hàng
- Hiểu biết của kiểm toán viên về hệ thống kiểm soát nội bộ
- Xác lập mức trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán
Nội dung, thời gian và phạm vi của các thủ tục kiểm toán: bao gồm phương hướng áp dụng các kỹ thuật kiểm toán đối với những khoản mục chủ yếu của báo cáo tài chính. Nội dung này có thể được trình bày dưới dạng một bảng phác thảo vắn tắt về các thủ tục kiểm toán chủ yếu hoặc một bảng kế hoạch sơ bộ cho kiểm toán các khoản mục:
(3) Thiết kế chương trình kiểm toán
Là toàn bộ những chỉ dẫn cho kiểm toán viên và trợ lý kiểm toán tham gia vào công việc kiểm toán và là phương tiện ghi chép, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện kiểm toán. Chương trình kiểm toán chỉ dẫn mục tiêu kiểm toán từng phần hành, nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán cụ thể và thời gian ước tính cần thiết cho từng phần hành.
3. Kết thúc kiểm toán BCTC
– Kiểm toán viên phải thông báo kết quả kiểm toán của mình.
– Trong báo cáo kiểm toán thể hiện ý kiến nhận xét về báo cáo tài chính.
– Nội dung của các ý kiến kiểm toán có thể khác nhau nhưng báo cáo kiểm toán phải cho người đọc thấy được những đánh giá của kiểm toán viên về tính trung thực và hợp lý của các thông tin phản ánh trên báo cáo tài chính xét trên khía cạnh trọng yếu, sự tuân thủ chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các văn bản pháp lý khi soạn thảo báo cáo tài chính.
– Báo cáo tài chính được xem là trung thực khi nó phản ánh đúng thực trạng tài chính của đơn vị, đúng tình hình thực tế tại đơn vị.
– Báo cáo tài chính được xem là hợp lý khi thông tin trên báo cáo là trung thực là cần thiết, phù hợp về không gian, thời gian và sự kiện được nhiều người thừa nhận.