Định khoản kế toán khách sạn – Hạch toán kế toán khách sạn không phải đơn giản chỉ là dịch vụ đơn thuần và đưa hết vào doanh thu cung cấp dịch vụ. Kế toán khách sạn có những đặc điểm riêng của lĩnh vực này. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn các bạn cách định khoản chi tiết của đơn vị này.
1. Đặc điểm của kế toán khách sạn
– Hóa đơn đầu ra là doanh thu cung cấp dịch vụ. Hóa đơn đầu vào hầu hết là chi phí nguyên vật liệu, CCDC, và chi phí quản lý.
– Với kế toán khách sạn nhà nghỉ thì việc theo dõi và phân bổ CCDC cũng như khấu hao TSCĐ là rất quan trọng vì các khách sạn có rất nhiều công cụ dụng cụ cần phân bổ tính vào chi phí
– Nhiệm vụ quan trọng nhất của kế toán khách sạn là tập hợp chi phí dịch vụ phòng và các chi phí khác của khách sạn thông qua các phương pháp hạch toán. Có 2 cách hạch toán chi phí trong khách sạn đó là dùng tài khoản 632 và không dùng tài khoản 632.
2. Hạch toán chi phí định khoản kế toán khách sạn
2.1. Tính giá thành định khoản kế toán khách sạn cho hoạt động qua tài khoản 632
Thứ 1: Tập hợp chi phí 621: là chi phí NVL trang bị cho phòng, buồng ngủ như xà phòng, giấy vệ sinh, bàn chải đánh răng, dầu gội đầu, nước phục vụ theo tiêu chuẩn…
– Căn cứ vào hóa đơn mua vào, Kế toán tiến hành tính toán 152, 156 và hạch toán:
Nợ 152, 156
Nợ 133
Có 331, 111, 112,…
– Căn cứ vào từng lần xuất, hạch toán chi phí NVL trực tiếp
Nợ 621
Có 152, 111, 112,…
– Sau đó cuối kỳ kết chuyển vào 154 như sau:
Nợ TK 154
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi phí trên mức bình thường)
Có TK 621 – Chi phí NVL trực tiếp.
Thứ 2: Tập hợp chi phí 622: bao gồm tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp phải trả và các khoản trích theo lương của nhân viên phục vụ phòng, buồng
– Chi phí nhân công của nhân viên phục vụ buồng, phòng
Nợ 622
Có 334, 338
– Kết chuyển chi phí 622 theo từng lần tập hợp giá thành dịch vụ cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 154
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi phí trên mức bình thường)
Có TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp
Thứ 3: Tập hợp chi phí 627: bao gồm lương của người quản lý trực tiếp, lương của nhân viên phục vụ như lễ tân, chi phí phân bổ CCDC, khấu hao TSCĐ và các chi phí khác bằng tiền
– Chi phí lương của quản lý, chi phí phân bổ CCDC, khấu hao TSCĐ và các chi phí khác tập hợp vào 627 như sau:
Nợ 627
Nợ 133 (nếu có)
Có 331,111,112,…
– Cuối kỳ ghi:
Nợ TK 154
Nợ TK 632 phần chi phí sản xuất chung không phân bổ, vượt trên mức bình thường không tính vào giá thành dịch vụ
Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung.
Cuối cùng là hạch toán 154
– Tập hợp giá thành ghi
Nợ 154
Có 621, 622, 627
– Trường hợp xuất hóa đơn, bàn giao dịch vụ cho Bên mua ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 154
– Khi sử dụng dịch vụ tiêu dùng (nội bộ) ghi:
Nợ TK 641, 642
Có TK 154
*Lưu ý: thông thường thì các khách sạn sẽ cho mỗi phòng 1 chai nước/khách/ngày, cái này gọi là nước uống tiêu chuẩn (đã tính trong giá cho thuê phòng). Nếu khách dùng thêm thì là nước uống ngoài tiêu chuẩn có thu thêm tiền.
– Hạch toán doanh thu:
Nợ 1111
Có 5111, 3331
– Hạch toán giá vốn:
Nợ 632
Có 156, 152 của giá gốc nước thu thêm
2.2. Không tính giá thành cho hoạt động khách sạn
Theo cách hạch toán chi phí này thì kế toán không theo dõi các chi phí giá vốn trực tiếp bằng tài khoản 632, mà tất cả các chi phí phát sinh đều phản ảnh vào 2 tài khoản 641 – chi phí bán hàng và tài khoản 642 – chi phí quản lý doanh nghiệp.
Cả 2 cách thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh đều như nhau vì đều là các tài khoản chi phí. Cách hạch toán thứ 2 tuy không đầy đủ theo nguyên tắc kế toán như cách 1 nhưng kết quả thuế là như nhau và cơ quan thuế vẫn chấp nhận.
Và cũng vì lẽ đó, trong thực tế các kế toán làm khách sạn nhỏ và vừa, để đơn giản thì thường sử dụng cách 2.
Trên đây là bài viết về cách định khoản kế toán khách sạn. Hy vọng qua bài viết các bạn đã hiểu hơn về cách định khoản kế toán trong các đơn vị này. Chúc các bạn thành công!