Hạch toán tại chi nhánh phụ thuộc khác tỉnh
Để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp thường mở thêm các chi nhánh tại các tỉnh khác nhau. Vậy cách hạch toán tại chi nhánh phụ thuộc khác tỉnh như thế nào. Xin mời các bạn cùng Lamketoan.vn nghiên cứu vấn đề này.
1. Kê khai thuế môn bài
Theo Điều 17 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định: “Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc ở khác địa phương cấp tỉnh nơi người nộp thuế có trụ sở chính. Thì đơn vị trực thuộc thực hiện nộp tờ khai thuế môn bài của đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc.
2. Khi trụ sở chính xuất hàng cho chi nhánh
Theo Điểm 2.6 Phụ lục 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định: “Tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hóa cho các cơ sở phụ thuộc khác địa phương……Cơ sở có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn, chứng từ sau:
– Sử dụng hóa đơn GTGT để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế GTGT ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau
– Sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động nội bộ”
Kết luận: Khi xuất hàng cho chi nhánh thì phải lập hóa đơn GTGT hoặc phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động nội bộ
3. Khi chi nhánh bán hàng
Theo Điểm 2.6 Phụ lục 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định:
3.1. Cơ sở hạch toán phụ thuộc khi bán hàng phải lập hóa đơn theo quy định giao cho người mua.
Theo Điều 3 thông tư 26/2015/TT-BTC quy định: “ Khi đơn vị trực thuộc có mã số thuế trực tiếp bán hàng. Thì ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị trực thuộc. Trường hợp đơn vị trực thuộc không có mã số thuế. Thì ghi mã số thuế của trụ sở chính”
– Trường hợp các cơ sở hạch toán phụ thuộc kinh doanh nông, lâm, thủy sản kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản để điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính. Thì chỉ sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, không sử dụng hóa đơn GTGT
3.2. Cơ sở hạch toán phụ thuộc lập Bảng kê hàng hóa bán ra gửi về trụ sở chính
Để trụ sở chính lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa thực tế tiêu thụ để giao cho cơ sở hạch toán phụ thuộc. Trường hợp số lượng và doanh số hàng hóa bán ra lớn. Bảng kê có thể lập cho 5 ngày, 10 ngày một lần. Trường hợp hàng hóa bán ra có thuế suất khác nhau phải lập bảng kê riêng theo từng loại thuế suất.
– Cơ sở hạch toán phụ thuộc thực hiện kê khai nộp thuế GTGT. Đối với số hàng xuất bán cho người mua và được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT của trụ sở chính
– Theo Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC: những chi nhánh hạch toán phụ thuộc có thể xin cấp MST riêng (13 số) và đặt in hóa đơn GTGT
– Nếu cơ sở sản xuất phụ thuộc không thực hiện hạch toán kế toán. Thì kê khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất (thuế vãng lai ngoại tỉnh)
Số thuế GTGT phải nộp cho địa phương cơ sở sản xuất được xác định theo tỷ lệ
+ 2% đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%
+ 1% đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%
Trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra
4. Ví dụ:
Công ty TNHH Minh Thắng có trụ sở tại Thái Bình có 2 đơn vị hạch toán trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán tại Hưng Yên và Hà Nam. Sản phẩm sản xuất ra thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%. Trong kỳ khai thuế tháng 02/2017. Doanh thu chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra tại Hưng Yên là: 200.000.000 đồng. Tại Hà Nam là: 250.000.000 đồng. Số thuế GTGT phải nộp tại Thái Bình theo tờ khai 01/GTGT là: 20.000.000 đồng
– Số thuế GTGT Công ty TNHH Minh Thắng phải nộp tại Hưng Yên là: 200.000.000 * 2% = 4.000.000 đồng
– Số thuế GTGT Công ty TNHH Minh Thắng phải nộp tại Hà Nam là: 250.000.000 * 2% = 5.000.000 đồng
– Số thuế GTGT Công ty TNHH Minh Thắng phải nộp tại Thái Bình là: 20.000.000 – 4.000.000 – 5.000.000 = 11.000.000 đồng