Mặt hàng gỗ có thuộc hàng hóa nông nghiệp không? Và thuế GTGT của mặt hàng gỗ là bao nhiêu, áp dụng theo các văn bản luật nào? Bài viết dưới đây, Kế Toán Việt Hưng xin chia sẻ nội dung chi tiết liên quan đến vấn đề này để bạn cùng tham khảo. Xem bài viết ngay nhé!
Cơ sở pháp lý về thuế GTGT của mặt hàng gỗ tròn
– Công văn 2038/TCT-CS
– Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT
– Thông tư 219/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung bởi thông tư 26/2015/TT-BTC
– Công văn 12571/BTC-TCT
Áp dụng tính thuế GTGT của mặt hàng gỗ tròn như thế nào?
Tại Khoản 1 Điều 5 Luật thuế GTGT năm 2008 quy định về đối tượng không chịu thuế:
“Điều 5. Đối tượng không chịu thuế
1. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu“.
Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 8 Luật thuế GTGT 2008:
“Điều 8. Thuế suất…
2. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:…
g) Thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến, trừ gỗ, măng và sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này…
3. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này“.
Tại Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế GTGT quy định:
Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT
“1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.”
Tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:
“Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.
Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.“
Tại Khoản 7 Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng chịu thuế suất 5% là:
“7. Thực phẩm tươi sống ở khâu kinh doanh thương mại; lâm sản chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ gỗ, măng và các sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.”
Tại Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng chịu thuế suất 10%: “Áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.”
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, khi áp dụng mức thuế suất thuế GTGT của mặt hàng gỗ sẽ có các trường hợp không chịu thuế, không phải kê khai tính nộp thuế hoặc thuế suất 10%. Tuy nhiên, không phải bất cứ loại gỗ nào cũng thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc thuế suất 10%.
Ngày 08/09/2014 Bộ tài chính ban hành Công văn 12571/BTC-TCT hướng dẫn thực hiện chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng gỗ như sau:
– Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
– Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, trường hợp bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.
– Sản phẩm gỗ đã qua chế biến như: gỗ ván, gỗ tấm, dăm gỗ áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.
Căn cứ để xác định sản phẩm gỗ tròn chưa qua chế biến dựa theo Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT Điều 3 Khoản 1 như sau:
“1. Gỗ tròn: Bao gồm gỗ nguyên khai, gỗ đẽo tròn, gỗ lóc lõi có đường kính đầu nhỏ từ 10 cm đến dưới 20 cm, chiều dài từ 01 mét trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên, chiều dài từ 30 cm trở lên. Riêng đối với gỗ rừng trồng, rừng tràm, rừng đước, rừng ngập mặn có đường kính đầu nhỏ từ 06 cm trở lên, chiều dài từ 01 m trở lên. Đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm không phân biệt kích thước.“
==> Các DN mua sản phẩm gỗ tròn chịu thuế GTGT của mặt hàng gỗ là 10% để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT sẽ được khấu trừ toàn bộ.
Như vậy:
– Các đối tượng không chịu thuế VAT bao gồm sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng và bán ra.
– Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, trường hợp bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.
– Sản phẩm gỗ đã qua chế biến như: gỗ ván, gỗ tấm, dăm gỗ áp dụng thuế GTGT của mặt hàng gỗ là 10%.
Để xử lý nghiệp vụ tại doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ 1 cách chính xác nhất, xác định thuế GTGT của mặt hàng gỗ tròn là điều cần thiết. Hi vọng các thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn xác định chính xác mức thuế suất cho gỗ tròn nói riêng, các loại gỗ được sử dụng trong quá trình sản xuất nói chung. Truy cập thêm fanpage để đón đọc các kiến thức hữu ích mỗi ngày nhé!